Trường học giúp đỡ người nước ngoài làm quen với cuộc sống ở Nhật
Một trường Trung học công lập gần Tokyo đang giúp đỡ những học sinh người nước ngoài đối mặt với các khó khăn trong cuộc sống, từ tiếng Nhật đến giải quyết các vấn đề gia đình, giúp họ có thể tự lập.
22:00 15/08/2019
Trường trung học Sagami Koyokan, ở Zama, tỉnh Kanagawa, có hệ thống kỳ thi tuyển sinh đặc biệt, tổ chức các lớp dạy tiếng Nhật ở các trình độ khác nhau, sử dụng hình thức dạy theo nhóm và có trợ giảng để giúp các học sinh từ các nước khác hoặc học sinh có bố mẹ là người nước ngoài có thể nhập học và hiểu bài giảng bằng tiếng Nhật tốt hơn. Học sinh nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài chiếm 20% trên tổng số học sinh của trường, hơn 1000 em.
Học sinh nước ngoài tại Sagami Koyokan có nguồn gốc từ hàng chục nước, bao gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Peru, Brazil, và các nước Nam Á như Nepal và Sri Lanka.
Một học sinh 19 tuổi tên là Adhil đến từ Sri Lanka cho biết, “Em cảm thấy dễ đặt câu hỏi hơn trong lớp học này (lớp tiếng Nhật đặc biệt) vì có ít bạn, lớp học bình thường có nhiều bạn nên khiến em bối rối.” Bạn cùng lớp với em, Manalo Dominic Piedad, 18 tuổi đến từ Philippines cho hay, “Em thấy mình hiểu (tiếng Nhật) nhiều hơn khi đến đây. Ở trường em có nhiều bạn đến từ các nước khác nhau.” Manalo đã vượt qua kì thi N3 JLPT. Các em là hai trong số năm học sinh nhập học vào tháng 2 của lớp giao tiếp tiếng Nhật dành cho học sinh năm thứ 3 Trung học. Lớp được phụ trách bởi hai giáo viên.
Một thành viên khác của lớp là em Huỳnh Thị Ái Nhi, 18 tuổi, đến từ Việt Nam. Nhi nói tiếng Nhật thành thạo khi tham gia lớp học này nhưng em cho biết em rất khó khăn để nhận biết chữ Kanji trong các môn học và trong kì thi. “Mặc dù ở trường, đi kèm với các chữ Kanji là cách đọc trong tiếng Nhật viết bằng chữ Hiragana nhưng em nhiều khi không hiểu được nghĩa của chúng.” Nhi còn kể là em cảm thấy đặc biệt khó học cách sử dụng kính ngữ và thuật ngữ khi đi làm thêm ngoài giờ.
Sagami Koyokan được thành lập từ năm 2010, dành cho học sinh nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài, và các học sinh người Nhật từng bị đuổi học hoặc gặp khó khăn. Trường tổ chức các khóa học nửa ngày vào buổi sáng hoặc chiều, và giữa hai kì, một số em tham gia làm lớp học tiếng Nhật đặc biệt, các em khác tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Thông thường học sinh sẽ tốt nghiệp sau 4 năm khi hoàn thành các tín chỉ, không giống học sinh ở các trường bình thường học cả ngày sẽ chỉ mất 3 năm. Nhiều học sinh ở Sagami Koyokan làm thêm trong quá trình học.
Trường là một trong số 13 trường Trung học ở tỉnh Kanagawa có kì thi tuyển sinh đặc biệt dành cho người nước ngoài, hoặc con em Nhật kiều đến Nhật dưới 3 năm. Theo Hội đồng giáo dục, các câu hỏi trong bài thi đều kèm Hiragana trên chữ Kanji, phỏng vấn cũng chỉ dùng tiếng Nhật đơn giản.
Người nước ngoài đến Nhật dưới 6 năm có thể được xem xét đặc biệt trong kì thi tuyển sinh vào Trung học quốc lập ở Kanagawa, ví dụ như cho phép thời gian làm bài thi dài hơn.
Cô Sakakibara cho biết, kể từ khi tỉnh cho phép các ứng viên đăng kí được vào học miễn là trường chưa đủ số học sinh, bất kể kết quả kì thi đặc biệt cho người nước ngoài như thế nào, nhiều học sinh vào trường mà không hề biết tiếng Nhật. Mỗi năm có khoảng 20 học sinh cần được hỗ trợ tiếng Nhật đặc biệt. Tổng trong 4 khối có khoảng 80 học sinh nhận sự hỗ trợ theo nhóm nhỏ để có thể theo các giờ học bằng tiếng Nhật.
Mariko Saya, giáo viên tiếng Nhật được điều đến từ Mạng lưới giáo đục đa văn hóa phi lợi nhuận Kanagawa, đóng vai trò như cầu nối giữa học sinh nước ngoài và giáo viên. “Là điều phối viên, tôi cố gắng chia sẻ thông tin về mỗi học sinh với các giáo viên để chúng tôi có thể quan tâm đến các em, tránh cho việc các em bị cô lập”.
Để nâng cao nhận thức của giáo viên, những người trước đó chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với người nước ngoài, cô Saya đã tổ chức các buổi nói chuyện về các đề tài như văn hóa Hồi giáo, và mời các học sinh nước ngoài đã tốt nghiệp đến chia sẻ, góp phần giúp giáo viên hiểu được các khó khăn từ góc độ của học sinh.
Mặc cho có sự hỗ trợ tích cực từ nhà trường, khoảng nửa số học sinh ở Sagami Koyokan – cả người Nhật và người nước ngoài – không tốt nghiệp được. Một số học sinh chỉ đơn giản là mất tích, có thể là trở về nước mà không báo cho nhà trường. Cô Saya cho biết, “Hầu hết các học sinh nước ngoài không chọn đến Nhật, chúng tôi đã cố gắng khích lệ các em học tập và giữ các em không bỏ học.”
Là một trong 28 điều phối viên được ME-net gửi đến các trường Trung học ở Kanagawa, cô Saya chỉ ra rằng nhiều học sinh nước ngoài phải đối mặt với các vấn đề mà các em không thể giải quyết một mình, ví dụ như gia đình có thu nhập thấp, hoặc bị giới hạn việc làm do tình trạng visa. Một số em buộc phải bỏ học vì gia đình muốn các em ưu tiên việc làm thêm hoặc chăm sóc em nhỏ. “Nhiều học sinh mang visa chỉ cho phép các em làm việc 28 tiếng/tuần. Đổi visa tốn nhiều tiền nên các em thường làm các công việc không ổn định. Ở Nhật, rất khó kiếm được công việc tử tế nếu chưa tốt nghiệp cấp 3”.
Bộ Giáo dục đưa ra số liệu thống kê số trẻ em trên cả nước cần được hỗ trợ tiếng Nhật tăng 1.7 lần, lên đến con số 43.947 năm 2016, một xu hướng tất yếu khi số người nước ngoài đến Nhật làm việc tăng, mang theo gia đình.
Đối với học sinh Trung học, số em cần hỗ trợ tiếng Nhật tăng 2.6 lần trong thập kỉ qua. Số học sinh bỏ học năm học 2017 là 9,61%, lớn hơn nhiều con số 1,27% năm học 2016.
Với nhiều người nước ngoài đến Nhật sau khi triển khai chế độ visa mới từ tháng 4, cô Saya lo ngại rằng việc hỗ trợ học sinh nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Để đối phó với tình hình, Bộ Giáo dục đang phát triển chương trình thử nghiệm bồi dưỡng giáo viên phụ trách dạy học sinh nước ngoài và sẽ tăng cường hỗ trợ cho các trường Trung học theo dạng này, bao gồm cả hướng nghiệp, từ năm tài chính 2019. Cùng chung động thái, Đại học giáo dục Aichi, đã có môn học hướng dẫn học sinh nước ngoài bắt buộc cho 900 sinh viên năm hai. Đó là khởi đầu cần thiết để mang lại lợi ích cho người nước ngoài đến làm việc và cho cả nước Nhật đang cố gắng khắc phục các vấn đề về thiếu nhân lực.
Cô Saya nói thêm, “Trường học phải là nơi an toàn cuối cùng cho các em. Cần nhiều hơn nữa các giáo viên tiếng Nhật, và giáo viên các môn học khác cũng nên làm quen với việc dạy tiếng Nhật”.
Nguồn: Kyodo News/ISenpai
Hơn 70% người dân Nhật Bản hài lòng về thời Heisei của Hoàng đế Akihito
Ở Nhật Bản, tên một thời đại mới sẽ được sử dụng trong suốt thời gian trị vì của hoàng đế. Và trong thời gian Hoàng đế Akihito trị vì, thời Heisei bắt đầu từ năm 1989, hơn 70% người dân Nhật Bản được phỏng vấn cho biết rằng kỷ nguyên Heisei đã “ổn” hoặc “tương đối ổn”.