Vì sao Nhật Bản quay cuồng trong đại dịch COVID-19?
Khi số ca nhiễm mới và tử vong ngày một gia tăng tại Nhật, người ta tự hỏi tại sao một quốc gia phát triển như thế lại thất bại khi đối đầu với chủng virus Corona mới nhưng vô cùng độc hại và lây lan nhanh này?
13:00 08/05/2020
Tình hình thế giới vẫn bất định và Nhật cũng tương tự vậy, với số ca nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng từng ngày. Đã có hơn 12.000 ca nhiễm cùng hơn 300 người chết được xác nhận vào ngày 24-4.
Trong tương quan với các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản lại phản ứng khá chậm chạp và ì ạch. Một câu hỏi được đặt ra rằng mặc dù đã có những cảnh báo rất sớm từ các quốc gia lân cận nhưng tại sao Nhật, một quốc gia phát triển tiên tiến, lại thất bại khi đối đầu với chủng virus mới nhưng vô cùng độc hại và lây lan nhanh này?
Thực chất, sự chủ quan của chính phủ Nhật đã khiến dân thường phải trả giá đắt. Trước tiên, chính những người khách từ du thuyền đẳng cấp nước Anh – Diamond Princess đã nhập cảnh thoải mái vào Nhật hôm 19-2 và vô tình trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Mặc dù trước đó họ có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng triệu chứng bệnh chỉ thực sự xuất hiện sau hai tuần. Thêm vào đó, chính phủ Nhật cũng chần chừ và không tận dụng triệt để thời gian phòng dịch xuyên suốt tháng 2 và tháng 3-2020.
Điều này cũng dễ hiểu khi họ đang phải đau đầu để tính toán và đàm phán với Ban tổ chức Thế vận hội quốc tế về kế hoạch Thế vận hội mùa hè 2020 tại Tokyo. Việc hủy hay trì hoãn một trong những sự kiện đáng mong chờ nhất hành tinh đều dẫn đến những tổn thất tài chính nặng nề và nhất là danh tiếng quốc gia của Nhật.
Cuối cùng, sự kiện này đã được hoãn tới tháng 7-2021 khi tổng số ca nhiễm tại Nhật đã lên hơn 1.000 ca vào ngày 24-3 – một điềm báo cho tương lai ảm đảm phía trước. Nếu Nhật cảnh giác và quyết tâm hơn ngay từ đầu thì mọi chuyện đã không tệ như hiện tại.
Đến đầu tháng 4, chính quyền bắt đầu có những động thái mạnh hơn, như đình chỉ thị thực và cấm khách du lịch đến từ hơn 100 quốc gia đến ít nhất là ngày 30-4. Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 7-4 đối với bảy tỉnh, thành trọng điểm và sau đó mở rộng ra trên toàn quốc, kéo dài đến tận ngày 6-5.
Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm giãn cách xã hội tới mức 80% và hạn chế đi lại dường như không hiệu quả khi số ca nhiễm mới ở Tokyo nói riêng và cả nước nói chung không ngừng cập nhật trên báo đài.
Hiện tượng này cũng tương tự như các nước phương Tây, cụ thể Mỹ hay Anh khi những yếu kém về hệ thống bệnh viện công tại Nhật dần hé lộ. Không chỉ thiếu hụt nhân lực – số ít phải tự cách ly tại nhà do lây nhiễm chéo tại bệnh viện, Nhật còn thiếu cả dụng cụ bảo hộ và thiết bị y tế (khẩu trang, trang phục bảo hộ, máy thở cùng các phòng hồi sức tích cực).
Một điểm quan trọng khác đó là các xét nghiệm chỉ được chỉ định cho người có triệu chứng và phải nhập viện theo quy định của Nhật. Do đó, những người không biểu hiện triệu chứng cụ thể hay chỉ đơn thuần muốn xét nghiệm cho an tâm đều không có cơ hội tiếp cận được dịch vụ y tế này.
Tính đến nay, chỉ có khoảng 10% dân số Nhật được xét nghiệm.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 7-4. Ảnh: EFE
Các chuyên gia trong một hội đồng do chính phủ chỉ định đã thừa nhận không thể theo dõi được lịch sử tương tác của người bệnh.
Đây là một vấn đề nói thì dễ nhưng trên thực tế khi làm lại rất khó vì tốn thời gian và đòi hỏi được đào tạo kỹ thuật truy xuất thông tin từ bệnh nhân về địa điểm họ tiếp xúc với virus. Bệnh nhân thực ra không muốn công khai danh tính của mình theo quy định của Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi.
Về mặt khách quan, vấn đề này có thể đến từ quyền tôn trọng cá nhân và tự do được nêu rõ trong hiến pháp được viết lại của Nhật sau Thế chiến thứ hai năm 1946.
Đây là khía cạnh chưa được đề cập trong các phân tích hiện tại. Khi nhắc đến các quyền và tự do được cụ thể hóa trong Chương 2 (Quyền và Nghĩa vụ Công dân), từ Điều 11 đến 13, các chính trị gia phải thận trọng và nhạy cảm khi đưa ra các quyết định hạn chế quyền tự do cá nhân cũng như xâm phạm quyền riêng tư, nếu không muốn gây ra bất mãn xã hội khi công chúng vẫn rất dị ứng với quá khứ quân phiệt, vốn từng gây tang thương nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, Điều 13 cũng nói rằng quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân sẽ được xem xét “ở khía cạnh mà nó không can dự vào phúc lợi của cộng đồng”, có nghĩa về lý thuyết thì an toàn tập thể được ưu tiên hơn so với an toàn cá nhân.
Trái lại, thực tế khác xa rất nhiều. Ngay cả trong tình trạng khẩn cấp toàn quốc hiện tại, các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa ở Nhật vẫn không thể nào so với Mỹ và châu Âu vì thống đốc các tỉnh không được trao quyền hợp pháp để thực hiện các giải pháp này và mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm.
Chẳng hạn như các yêu cầu cắt bớt thời gian hoạt động tại các nhà hàng địa phương chỉ được xem như một mệnh lệnh không mang tính ràng buộc. Thậm chí, trên mạng xã hội, những bức ảnh người dân chen chúc ở các khu phố mua sắm sầm uất vào cuối tuần tại Kichijoji và Enoshima, thuộc ngoại ô thủ đô Tokyo và tỉnh Kanagawa, vẫn xuất hiện nhan nhản.
Dòng người tấp nập tại thủ đô Tokyo. Ảnh: DW
Theo mô phỏng của lực lượng đặc nhiệm chính phủ phụ trách theo dõi các nhóm lây nhiễm, có khả năng thêm 420.000 người nữa tử vong trong trường hợp không có các biện pháp phòng ngừa khắt khe tại Nhật.
Đặc biệt là khi Tuần lễ vàng từ ngày 29-4 đến ngày 6-5, một trong những mùa lễ hội lớn và dài nhất ở Nhật, sắp diễn ra thì sự nghiêm ngặt, khả năng xử lý tình huống nhanh và các nỗ lực tập trung để ngăn chặn đại dịch COVID-19 là cần thiết hơn bao giờ hết và tác động đến sự ổn định xã hội và tái thiết kinh tế ở Nhật trong vài năm tới.
Nguồn: plo.vn
Người Nhật chi hàng triệu đô cho ứng dụng hẹn hò
Những năm gần đây, thị trường hẹn hò online ở Nhật tăng mạnh, do áp lực từ cuộc sống hiện đại cũng như đòi hỏi gia tăng dân số trong bối cảnh tỉ lệ kết hôn ở nước này giảm phân nửa sau 40 năm.