7 phiên bản remake Nhật từ phim Hàn đình đám: Liệu có thoát được cái bóng thành công của bản gốc?

Việc Hàn Quốc làm lại các phim nổi tiếng của xứ hoa anh đào đã không còn là chuyện hiếm. Gần đây, nhiều khán giả nhận thấy hóa ra Nhật Bản cũng đã mua bản quyền remake không ít phim truyền hình, điện ảnh ăn khách của đất nước củ sâm. Và tất nhiên giống như bất kì quốc gia nào khác, các phiên bản remake do Nhật sản xuất cũng đứng trước nhiều rủi ro, thậm chí là có thể thất bại thảm hại sau khi ra mắt.

08:00 23/02/2018

1. Xin Lỗi, Anh Yêu Em

Xin Lỗi, Anh Yêu Em là một trong những phim nổi tiếng nhất của hai diễn viên Hàn Quốc So Ji Sub và Im Soo Jung, cũng là tác phẩm tiêu biểu của màn ảnh nhỏ xứ kimchi những năm 2000. Tuy nhiên, phiên bản Nhật của nó lại không đạt được như kỳ vọng của nhiều khán giả. Nội dung tình tiết đã không còn mới lạ, diễn xuất thiếu điểm nhấn của nam chính Nagase Tomoya chính là điểm khiến người xem không hài lòng.

Công bằng mà nói, Xin Lỗi, Anh Yêu Em bản Nhật không hề quá tệ. Tuy nhiên ấn tượng mà phiên bản Hàn Quốc để lại về mối tình cảm động của nam nữ chính cũng như diễn xuất tinh tế có chiều sâu của So Ji Sub từ lâu đã trở thành tượng đài khó có thể đánh đổ. Vì lẽ đó mà Gomen, Aishiteru (tên tiếng Nhật của phim) chỉ có thể ngậm ngùi chìm trong cái bóng quá lớn kia.

2. Cô Nàng Đẹp Trai

 

Được làm lại từ bộ phim gây sốt khắp châu Á năm 2009 You’re Handsome, Ikemen desu ne ngay từ khi công bố dự án đã nhận được sự quan tâm đông đảo của fan bản gốc. Tuy nhiên đến khi phim được phát sóng, nhiều người không khỏi thất vọng trước phiên bản mới này: nhiều tình tiết hài lãng mạn đã bị cắt, dàn nhân vật chính cũng không gây được ấn tượng mạnh như những gì các diễn viên bản Hàn từng thể hiện. Điểm cộng hiếm hoi của Ikemen desu ne đó là ngoài tình yêu, phim còn nhấn mạnh vào tình bạn, tình thân.

3. Cô Nàng Ngổ Ngáo

Được làm lại từ một trong những phim điện ảnh hài lãng mạn kinh điển nhất Hàn Quốc, sự kì vọng của khán giả cho Ryokiteki na Kanojo – Cô Nàng Ngổ Ngáo phiên bản Nhật không phải là nhỏ. Phim là câu chuyện tình yêu vừa oan gia vừa định mệnh giữa một cô nàng cá tính và một cậu sinh viên ngốc nghếch ngố tàu.

Tuy nhiên việc đưa một tác phẩm điện ảnh trở thành phim truyền hình dài 11 tập hoàn toàn không phải là việc đơn giản. Phiên bản Nhật đã thay đổi nam chính từ một cậu sinh viên khù khờ trở thành một giảng viên và điều này đã làm ảnh hưởng không ít đến tình tiết và diễn biến xuyên suốt bộ phim. Kết cục bộ phim chỉ ngậm ngùi đạt rating trung bình 8,3% và chẳng thể so được tầm ảnh hưởng bằng một góc của bản gốc.

Dù sao, đến chính các nhà làm phim Hàn Quốc cũng gặp khó khăn trong việc làm lại My Sassy Girl của họ, nói gì đến phiên bản remake của các quốc gia khác.

4. Misaeng

Lấy văn phòng khô khan làm bối cảnh còn các nhân viên công sở làm nhân vật chính, Misaeng gây bất ngờ khi trở thành hiện tượng của truyền hình Hàn Quốc năm 2014. Khi có thông tin Nhật Bản remake bộ phim này, ngay chính khán giả phim Hàn cũng rất kì vọng vào phiên bản làm lại do các nhà làm phim xứ phù tang thực hiện.

Tuy nhiên, sau khi HOPE: Kitai Zero no Shinnyu Shain lên sóng, mặc dù phim được xây dựng khá tốt nhưng cuối cùng vẫn không nối tiếp được thành công của bản gốc. Rating khởi đầu của phim cũng chỉ đạt 6,5% và không nhận được sự chú ý quá lớn của khán giả trong suốt thời gian phát sóng.

5. My Boss, My Hero

May mắn thay, không phải phim Nhật nào được remake từ phim Hàn cũng thất bại thảm hại. My Boss, My Hero được Nhật làm lại vào năm 2006 từ bộ phim Hàn cùng tên được phát sóng vào năm 2001. Phim xoay quanh một anh chàng đại ca 27 tuổi quyết định giả làm cậu học sinh 17 tuổi quay lại trường học nhằm lấy được bằng tốt nghiệp để có thể trở thành người thừa kế bang xã hội đen. Với phong cách hài hước mà vẫn đảm bảo được ý nghĩa nhân văn, bộ phim đã chiếm được cảm tình lớn của khán giả. Đây cũng là bộ phim remake hiếm hoi nhận được sự ủng hộ ngang ngửa với bản gốc Hàn Quốc.

6. War of Money

Với mức rating khủng trên 30%, War of Money từng là bộ phim gây bão màn ảnh nhỏ Hàn Quốc gần 10 năm về trước. Người hâm mộ bản gốc có thể thở phào nhẹ nhõm khi phiên bản Nhật vào năm 2015 được xem là khá thành công khi sở hữu mức rating trung bình là 13,4%. Chỉ có điều từ 20 tập, phiên bản Nhật đã rút xuống còn 11 tập nên với không ít khán giả, bộ phim có vẻ hơi vắn tắt.

7. Miss Granny

Thật hiếm có phim điện ảnh Hàn Quốc nào có nhiều phiên bản remake như hit phòng vé Hàn 2014 Miss Granny. Với đủ các phiên bản làm lại đến từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc,… Miss Granny của mỗi nước lại có những điểm thu hút và đáng chú ý riêng, nhưng tất nhiên đều xoay quanh câu chuyện về một cụ bà bỗng trẻ hóa, quay lại độ tuổi 20 như để thực hiện ước mơ ca lát lâu nay bị dở dang.

Thành công của Miss Granny bản Nhật cũng không phải quá đặc biệt. Bởi lẽ, bản thân Miss Granny phiên bản gốc đã có nội dung dễ xem, dễ cảm, bên cạnh đó là sự hài hước duyên dáng mà vẫn có đủ yếu tố nhân văn. Phiên bản làm lại của các nước khác dù không cần thay đổi, sáng tạo nhiều cũng đã dễ dàng được đón nhận rồi.

Sắp tới đây, khán giả sẽ lại tiếp tục được thưởng thức hai phim Nhật được làm lại từ các phim Hàn ăn khách là Signal của Sakaguchi Kentaro và Sunny của Hirose Suzu và Shinohara Ryoko. Liệu phiên bản Nhật lần này sẽ như thế nào? Hãy cùng chờ xem nhé.

Nguồn: Kenh14

Tags:
Khi du lịch Nhật bản tự túc nhất định phải biết về vé JR PASS

Khi du lịch Nhật bản tự túc nhất định phải biết về vé JR PASS

Cho những ai hem biết, đóng góp to lớn vào chi phí đắt đỏ của việc đi du lịch Nhật Bản chính là chi phí dành cho giao thông, ở đây chỉ mới nói đến giao thông công cộng chứ chưa đề cập đến taxi (Max đắt). Nên mỗi lần ai đó đi Nhật, bảo đảm bạn bè sẽ khuyên “hãy mua JR Pass đi má ôi” vì sự thần thánh của tấm thẻ thông hành này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất