Cậu thiếu niên dùng đòn gánh bắt giặc lái Mỹ và cuộc “hội ngộ” kỳ lạ sau 47 năm
Cậu bé nhỏ xíu cầm chiếc đòn xóc áp tải viên phi công Mỹ không hiểu vì sao người đàn ông cao lớn bị “kẹp” giữa hai người khác cứ ngoái lại phía sau nhìn mình. Ánh mắt ấy lạ lắm, không hẳn là hoảng sợ mà cái gì đó như khắc khoải, đau xót. Gần nửa thế kỷ sau, những băn khoăn đó đã được giải đáp.
06:00 21/12/2018
Cuộc “hội ngộ” kỳ lạ sau 47 năm
Một ngày tháng 1/2015, cựu chiến binh Bùi Bác Văn (phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An) đang lúi húi trên tầng thượng thì được tin có khách đến nhà chơi. Ông lật đật bước xuống, nhìn 3 vị khách lạ, lại cả 1 ông Tây, trong lòng không khỏi phân vân.
Ông Bùi Bác Văn và ông Thomas Eugene Wilber, con trai của phi công Walter Eugence Wilber trong lần về địa điểm nơi ông Văn đã bắt sống phi công Mỹ vào ngày 16/6/1968.
“Xin lỗi, ông có phải là Bùi Bác Văn – người đã bắt sống phi công Mỹ vào ngày 16/6/1968 tại xã Thanh Tiên không ạ?”. Ông Văn xác nhận: “Vâng, chính là tôi”. Chỉ vào người đàn ông ngoại quốc đứng bên cạnh, người kia tiếp: “Đây là Thomas Eugene Wilber – con trai của viên phi công ấy”. Ông Văn sửng sốt trước lời giới thiệu của vị khách.
Câu chuyện bắt giặc lái Mỹ 47 năm trước (tính tại thời điểm năm 2015) ùa về, nhất là sau những câu hỏi mang tính “kiểm tra” của Thomas Eugene Wilber để xác nhận người ngồi trước mình đây là nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của cha mình suốt mấy chục năm qua.
Một cuộc gọi video được Thomas Eugene Wilber (còn gọi là Tom Wilber, và ông Văn cũng gọi người này bằng cái tên thân mật – Tom) thực hiện ngay về Mỹ. Bất đồng ngôn ngữ được phiên dịch viên hóa giải. Cuộc “hội ngộ” sau 47 năm giữa viên phi công Mỹ và cậu thiếu niên ngày đó diễn ra như thế trong những giọt nước mắt của cựu phi công Walter Eugence Wilber.
“Tôi đã chờ đợi phút giây này 47 năm qua. Người mà tôi nhớ nhất là ông – cậu thiếu niên nhỏ bé dùng chiếc đòn đánh vào tay cầm bộ đàm của tôi và là người cùng với chiếc đòn đi sau áp tải tôi”, người phiên dịch viên dịch cho ông Bùi Bác Văn nghe.
Phi công Walter Eugence Wilber thuộc Không quân Hoa Kỳ có thời gian tham chiến ở Việt Nam (ảnh legcy.com)
Qua cuộc gọi video, viên phi công năm xưa đã già yếu lắm rồi. Ông đã 85 tuổi, lại mắc căn bệnh ung thư não nhưng trí nhớ thì vẫn minh mẫn lắm. Cựu phi công của Không quân Hoa Kỳ năm xưa bảo: “Nếu Chúa trời cho tôi khỏe lại, tháng 7 này (tháng 7/2015 – PV) nhất định tôi sẽ sang thăm ông”. Nhưng trong một cuộc gọi lần thứ 3, diễn ra vào tháng 7/2015, Walter Eugence Wilber đã rất yếu: “Chúa không cho tôi gặp lại ông lần nữa. Có lẽ tôi xin chào vĩnh biệt ông”.
4 ngày sau, ông Văn nhận được cú điện thoại từ Mỹ, thông báo ông Walter Eugence Wilber đã qua đời, thanh thản và bình yên khi những mong ước suốt cả cuộc đời là tìm lại cậu thiếu niên bắt giữ mình trong ngày 16/6/1968 đã được thực hiện. Sự ra đi của một người lính bên kia chiến tuyến chỉ giáp mặt 1 lần trong đời và 3 lần qua video điện thoại để lại trong lòng ông Văn nhiều hụt hẫng.
“Khi tôi vào lính, tôi hiểu rằng là người lính, ai cũng thực hiện nhiệm vụ của đất nước mình. Ông Walter Eugence Wilber cũng thế thôi, chẳng ai muốn chiến tranh xảy ra cả”, ông Văn trầm ngâm.
Cậu thiếu niên bắt giặc lái Mỹ
Ngày 16/6/1968, chiếc máy bay F4 của không quân Hoa Kỳ trong quá trình ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam đã bị trúng lưới đạn phòng không ở Đô Lương, bốc cháy và rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên (Thanh Chương, Nghệ An). Lúc đó, Bùi Bát Văn 15 tuổi, theo bố sơ tán về Trường cấp 3 Thanh Chương ở gần đó.
“Thấy máy bay rơi, 1 chiếc dù màu trắng, hồng bật ra. Tôi đang ngồi trước cửa nhà, vơ vội cái đòn xóc (đòn gánh nhọn hai đầu – PV) chạy ra hô “đi bắt giặc lái”. Tôi cắm cổ chạy về phía hướng chiếc dù rơi. Lội qua ruộng, qua một bờ mương thấy viên phi công đang nép trong bụi cây. Lúc này có thêm 2 người nữa chạy đến (sau này tôi mới biết là anh Nguyễn Văn Mợi, người xã Thanh Tiên và anh Nguyễn Văn Thu, người xã Thanh Lĩnh).
Ông Bùi Bác Văn vẫn duy trì liên lạc với gia đình Tom Wilber qua mạng xã hội facebook.
Chúng tôi chạy lại gần viên phi công, thấy 1 tay anh ta cầm bộ đàm, tay kia cầm khẩu súng. Tôi dùng đòn xóc đánh mạnh vào tay cầm bộ đàm rồi 3 anh em tước vũ khí ở tay bên kia. Chiếc bộ đàm rơi xuống đất nhưng vẫn phát ra tiếng kêu, tôi lấy cái đòn xóc đập mạnh vào, nó vẫn kêu. Anh Thu giành lấy đòn xóc, đập cũng không được. Anh Mợi to khỏe hơn, đập cũng không ăn thua. Sau chúng tôi thống nhất là… vùi nó xuống bùn”, ông Văn kể.
Sau khi “tiêu hủy” chiếc bộ đàm, ba người thống nhất cởi hết quần áo, giày của viên phi công để đảm bảo không có một chiếc máy nào có thể giúp viên phi công liên lạc với đồng bọn. 3 chàng trai loay hoay mãi không… tìm ra cúc áo. Viên phi công hiểu ý liền hướng dẫn cách kéo phéc-mơ-tuya của bộ quần áo không quân đang mặc trên người.
Walter Eugene Wilber mặc một chiếc quần đùi, áo thun, chân đất, bị Nguyễn Văn Mợi và Nguyễn Văn Thu giữ 2 cánh tay và áp tải về làng, cậu thiếu niên Bùi Bác Văn cầm đòn xóc đi sau “hộ tống”. Sau đó Walter Eugene Wilber được bàn giao cho lực lượng chức năng địa phương.
2 ngày sau, xác chiếc máy bay (cách chỗ bắt giữ phi công Walter Eugence Wilber vài trăm mét) đã cháy hết. Buổi trưa, Bùi Bát Văn tò mò chạy ra xem, thực tế là ra để nhặt nhạnh thứ gì đó có thể tận dụng cho cuộc sống hàng ngày. Cậu bé giật thót mình khi phần đùi của 1 viên phi công khác chưa cháy hết mắc trong buồng lái. Nén nỗi sợ hãi lại, cậu lặng lẽ mang phần cơ thể ấy ra, đào một chiếc hố chôn rồi khỏa đất lại.
Bức ảnh hai gia đình được ông Văn lồng chung 1 khung ảnh. Ông bảo, câu chuyện 48 năm trước khép lại quá khứ hận thù, đau thương, thay vào đó là sự thấu hiểu và tha thứ…
Bùi Bác Văn mang câu chuyện về kể với cha mình. Cha ông – một ông đồ Nho, nhẹ nhàng khuyên con trai: “Con người khi sống, có người suy nghĩ thế này, có người suy nghĩ thế khác. Nhưng khi chết đi rồi thì ai cũng như ai. Con ra đắp cho ông ấy một nấm mộ, nhỏ thôi kẻo người ta chú ý”. Cậu thiếu niên Bùi Bác Văn vâng lời cha.
“Chuyện xảy ra quá lâu rồi, tôi cũng không mấy khi nhắc tới nhưng người phi công đồng đội của Walter Eugence Wilber đã rơi cùng máy bay và tử vong lại khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn. Họ cũng có cha, có mẹ, có anh em ruột thịt nhưng cuộc chiến tranh phi nghĩa đã buộc họ phải bỏ mạng ở một đất nước xa lạ. Trước khi nhập ngũ, tôi đã đứng trước nấm mồ nhỏ bé ấy rất lâu. Để làm gì tôi cũng không biết, chỉ biết đứng đó và im lặng”, ông Văn kể tiếp.
Ông Văn nhặt được một bộ phận máy bay còn nguyên. Chẳng hiểu nguyên cớ gì nhưng nó đã theo ông suốt gần nửa thế kỷ. Bộ phận ấy được ông trưng dụng làm chậu trồng hoa, làm bình cắm cành đào trong ngày Tết. Rồi chính ông đã gửi “cái bình hoa” ấy cho Walter Eugence Wilber như một vật kỷ niệm. “Cái bình hoa” đó được gia đình Walter Eugence Wilber cắm đầy các loài hoa trong lễ an táng ngày ông qua đời. Hiện chiếc bình hoa đặc biệt này vẫn đang được gia đình Thomas Wilber sử dụng hằng ngày trong chính căn nhà của họ.
Câu chuyện này, ông Văn bảo như thế là đã kết thúc có hậu. Cái kết khép lại những hận thù, đau thương. Cái kết chứng tỏ sự thấu hiểu, cảm thông và tha thứ cho nhau giữa hai con người, hai quốc gia, hai dân tộc…
Theo: nguoivietnamchau.org
Góc kì lạ: Người phụ nữ bị ch.ết não trái sau khi uống một lít… nước tương để “làm sạch ruột”?!
Có một nguyên tắc bất di bất dịch trên mạng, đó là không phải bất cứ lời khuyên về sức khỏe nào cũng đều đáng tin!