Chị Hồng Sâm người mẹ Mỹ gốc Việt của 300 người con dùng hơn 90% lợi nhuận từ kinh doanh để làm từ thiện
Đã 6 năm nay, gần như mỗi tháng một lần chị Hồng Sâm lại bay từ Mỹ về Việt Nam để thăm 300 đứa con nuôi trong mái ấm Vinh Sơn 1 ở TP Kon Tum.
11:00 23/12/2022
Di Ái Hồng Sâm kể, chị trở thành mẹ của những đứa trẻ đến rất tình cờ từ chuyến thăm mái ấm lần đầu tiên 6 năm trước. Hôm đó, khi chị vừa bước xuống xe, một bé gái khoảng 2 tuổi đi chập chững về phía Sâm, ôm lấy chị và nắm tay mãi không buông. "Khoảnh khắc ấy, tôi hiểu bọn trẻ ở đây khát khao có một người mẹ", Hồng Sâm, bác sĩ người Mỹ gốc Việt nhớ lại.
Nghĩ rằng nếu chỉ tặng quà, tương lai của những đứa trẻ mồ côi không thay đổi được gì, chị Sâm gặp các sơ xin nhận làm mẹ đỡ đầu, bảo trợ cho bọn trẻ ăn học đến khi trưởng thành.
Là người nổi tiếng với những hoạt động xã hội, chị Sâm đã hai lần được chính phủ Mỹ trao giải thưởng cống hiến trọn đời. Ở bên kia đại dương, chị từng nhận nuôi 8 đứa trẻ mồ côi trưởng thành và đang học đại học.
"Tôi vui khi bây giờ có thêm hàng trăm đứa con khác ngay tại quê hương Việt Nam", chị nói.
Di Ái Hồng Sâm về thăm các con nuôi ở mái ấm Vinh Sơn 1, TP Kon Tum vào năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thời đó, mái ấm Vinh Sơn 1 gặp khó khi phải lo cho hàng trăm trẻ đang tuổi đến trường. Sơ Văn, người trực tiếp quản lý mái ấm kể, thi thoảng cũng có nhóm từ thiện đến thăm và tặng quà nhưng chỉ giải quyết được những thiếu thốn tạm thời. "Từ ngày mẹ Sâm xuất hiện, mọi việc lớn nhỏ của các con cô ấy đều giúp sức cáng đáng", sơ kể.
Chị Sâm còn nhớ, lần đầu ôm những đứa trẻ của mái ấm, chị thấy bé nào cũng đầy vảy trắng trên đầu. Hỏi ra mới biết do thiếu dầu gội nên các sơ dùng bột giặt gội thay. Hôm đó, chị tự đi siêu thị mua dầu gội, mua lăn khử mùi và những vật dụng cá nhân cho các con. Nhiều người hỏi mua đồ cho trẻ mồ côi sao có cả những chai khử mùi. Chị Sâm trả lời: "Đó là con tôi. Tôi muốn các con không những ăn no, học giỏi mà còn phải sạch đẹp".
Vì cách trở về mặt địa lý, chị Sâm cứ mỗi tháng lại bay về Việt Nam một lần phụ chuyện tài chính và học hành cho bọn trẻ. Khi những đứa con bắt đầu dậy thì chị kiêm luôn vai trò hướng dẫn kiến thức về tâm sinh lý. Để hiểu hơn về các con, chị Sâm bảo tụi nhỏ viết thư gửi cho mình. "Con chào mẹ, con rất biết ơn vì để chúng con được gọi tiếng mẹ..."; "Mẹ ơi hôm nay con có chuyện giấu, con không dám nói mẹ, con nhớ mẹ con khóc á mẹ...". Đó là những lá thư đầu tiên, nét chữ nghuệch ngoạc nhưng khiến chị khóc.
Chị kể, lúc đầu mới đến mái ấm, bọn trẻ học lực chủ yếu trung bình khá. Mỗi ngày, chị cố gắng xong công việc, dành buổi tối tỉ tê cùng các con qua video call. "Tôi kể chuyện về những tấm gương nghị lực cho con nghe và động viên chúng bằng những món quà. Từ 23 bàn tay học khá giỏi giơ lên, tháng sau tôi về đã là 33 đứa", chị cười nói.
Py Anh (áo đen, bên phải) và A Đan (áo tím xanh, bên trái) tranh thủ sau giờ học phụ các sơ ở mái ấm Vinh Sơn 1 tưới rau, chiều 15/11. Ảnh: Minh Tâm
Các con của chị Sâm, mỗi đứa một hoàn cảnh, đủ các độ tuổi. Kết thúc kỳ hè năm nay, 25 con chuẩn bị vào cấp 3. Chị nói, các con muốn học tiếp chị sẽ kiếm một căn nhà ở Sài Gòn để tụi trẻ ở cùng, tiện chăm sóc nhau. Khi chúng muốn đi học nghề, cách hơn nửa vòng trái đất, chị gác công việc lắng nghe tâm sự để hướng nghiệp từng đứa.
"Mình cho con cá, cho cần câu và phải cho luôn chúng cách sử dụng cần câu", chị nói. Các con của mẹ Sâm chủ yếu là trẻ dân tộc Bana, cách sống rất đơn giản chỉ bằng lòng với "mỗi ngày tụi con lên rẫy, có sắn, gạo với khoai là đủ no, đủ hạnh phúc rồi, tụi con không cần chi nữa". "Lúc đó, mình gạt ngay suy nghĩ của các con và tìm cách làm tư tưởng để chúng nhìn về tương lai tốt hơn", người mẹ kể.
Sau 6 năm đến với Vinh Sơn 1, chị Sâm đã có khoảng chục đứa con "rời tổ" và đang làm việc tại công ty của chị. Riêng cô bé Y Thuân, 23 tuổi, muốn theo học làm bánh, mẹ Sâm cũng tạo điều kiện lo cho em vừa học vừa làm tại một tiệm bánh ở Sài Gòn.
Giữa tháng 11 vừa rồi, chị Hồng Sâm bay về Việt Nam thăm các con ở Kon Tum, sau đó vào Sài Gòn gặp những đứa con lớn hơn đang đi làm và học tại đây. Ảnh: Minh Tâm
A Toản, 21 tuổi, là đứa con mà Sâm dành nhiều tình cảm hơn cả. Chị kể, tháng 11 vừa rồi chị về lại Mỹ, Toản mắt đỏ hoe ôm lấy chị, không muốn rời. Cậu bé có giọng hát rất hay, giỏi đàn ghita nên thường hát gửi tặng mẹ. "Những lúc công việc căng thẳng, mình nghe những đoạn video con hát mà thấy nhẹ lòng", chị nói.
Sắp tới, chị Sâm định hướng cho Toản học lớp căn bản về luyện thanh, nhảy và sáng tác nhạc. Chị nói, ước mơ của con là làm ca sĩ, chị sẽ cố gắng lo hết mức có thể.
Đầu năm nay, Toản được vào công ty mẹ Sâm làm việc. "Em sinh ra chưa đầy một tuổi đã mồ côi nên chưa bao giờ được cất tiếng gọi mẹ. Từ khi gặp mẹ Sâm, khát khao được gọi mẹ đã thành sự thật. Chỉ mong mỗi tháng đều gặp và ôm mẹ trong lòng", Toản nói.
Chị Sâm cho biết, hơn 90% lợi nhuận từ kinh doanh của chị đều dành cho các hoạt động từ thiện. Mỗi lần mở rộng kinh doanh chị đều nghĩ đến các con. "Tôi luôn nghĩ làm sao có đủ công việc để vừa có nguồn kinh phí lo cho con, vừa làm bến đỗ cho chúng sau này", chị nói.
Khi bọn trẻ trưởng thành đi làm có thu nhập, chị thỏa thuận với các con dành 10% tiền lương để lo cho những em nhỏ sau mình. Chị nói, làm như thế để dạy cho bọn trẻ biết cách quan tâm đến người khác. "Không riêng tôi, mà các con tôi cũng sẽ được truyền tiếp về tình yêu thương giữa người với người".
Từ ngày có thêm hàng trăm đứa con, thời gian ngủ chị vơi dần, từ 8 tiếng còn 5 tiếng và giờ chỉ mỗi 3 tiếng trong ngày. Chị bảo, gặp các con cuộc đời chị có được những mảnh ghép hoàn thiện hơn và hữu dụng hơn trên thế gian này.
"Sống là cho đi. Uớc mơ của tôi là nhìn thấy trẻ mồ côi có được hạnh phúc trong cuộc đời. Chị mong muốn nhiều người khác cũng hãy mở lòng để những đứa trẻ không còn bất hạnh", chị Sâm tâm niệm.
Trải lòng của nữ Việt kiều sau ly hôn ở Mỹ vì lệch tuổi, khác biệt
Sang Mỹ theo tiếng gọi tình yêu nhưng Nhạn không thể ngờ sự khác biệt về tuổi tác, văn hóa đã đẩy cô và chồng xa nhau.