Cựu giáo viên người Việt ở Nhật nói về chuyện phạt học sinh: Các em càng tỏ ra “hổ báo” thì càng yếu đuối và cần được chở che

Vụ việc cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh tại trường tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An) gần đây đã thu hút nhiều dư luận trái chiều. Có rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một hành vi làm nhục người khác, gây tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của cô giáo.

21:30 20/03/2018

Nhiều bạn giáo viên có thể thù ghét các em học sinh bị coi là “hổ báo”, nhưng với nhiều giáo viên, thực ra những em học sinh càng tỏ ra “hổ báo”, đánh đập, bắt nạt bạn bè mới là những em có tâm hồn thực sự yếu đuối và cần được chở che.

Thế nhưng mọi chuyện đều có nguyên nhân sâu xa của nó, và theo quan điểm của nhiều người từng đã và đang làm việc trong ngành giáo dục, phụ huynh đã sai nhưng người sai trước tiên là cô giáo.

Bản thân người viết từng tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, tôi có thể khẳng định rằng không một giáo trình nào hay bài dạy nào trong trường sư phạm dạy cô giáo làm những hành động gây tổn hại đến lòng tự trọng của học sinh như thế.

Cựu giáo viên người Việt ở Nhật nói về chuyện phạt học sinh: Các em càng tỏ ra hổ báo thì càng yếu đuối và cần được chở che - Ảnh 1.

Không bài giảng nào tại đại học dạy 1 cô giáo làm tổn thương đến học trò – Ảnh minh họa

Trường sư phạm đang dạy những gì? Ngoài những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, các trường sư phạm rất chú trọng đến việc ứng xử với học sinh. Điều này thể hiện qua rất nhiều các tiết dạy về nghiệp vụ sư phạm, đi kèm với nó là sự thực hành nghiêm túc.

Hàng năm, các trường sư phạm đều có các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm, trong đó bao gồm thi kiến thức chuyên môn, thi kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.

Tất cả các tình huống sư phạm có thể phát sinh đều được đưa ra mổ xẻ và phân tích bởi các bạn sinh viên, giáo viên, lãnh đạo khoa và trường sư phạm.Và trong suốt 4 năm học, tác giả bài viết có thể khẳng định rằng trường sư phạm luôn kỳ vọng giáo viên phải giữ thái độ vừa nhu vừa cương với học sinh, luôn có sự thông cảm với hoàn cảnh của từng học sinh.

Xử lý tình huống sư phạm luôn là điều rất khó, bởi nó cần phải cân bằng giữa kỷ luật của trường lớp, giữ vị thế của người giáo viên cũng như không để cho học sinh cảm thấy tổn thương. Bạn sẽ làm gì khi học sinh vi phạm kỷ luật thậm chí nhiều lần? Sẽ không bao giờ có một câu trả lời nào giống nhau cho tất cả các trường hợp.

Xử lý tình huống sư phạm đòi hỏi sự cứng rắn nhưng linh hoạt của người giáo viên

Tôi có thể lấy ví dụ của một tình huống sư phạm dưới đây mà theo tôi tôi đã xử lý thành công. Khi mới ra trường, tôi đi dạy tại một trường cấp 3 trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Theo nhiều dư luận, trường đó không phải một trường ngoan, và lớp tôi dạy bị coi là lớp kém nhất trường.

Tôi dạy bộ môn tiếng Anh cùng với việc hỗ trợ cho công tác chủ nhiệm lớp. Trong lớp cũng có nhiều em dù học lực không khá nhưng ngoan, ngoài ra phần lớn các em bị xếp vào diện cá biệt. Theo chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm khi nhận lớp, có nhiều em học sinh trong lớp thường xuyên cãi lại cô giáo trong giờ dạy, với những giáo viên mà các em ghét, các em thậm chí xịt lốp xe máy, bôi chất ngứa lên bàn ghế giáo viên hoặc đóng đinh lên ghế của giáo viên khiến nhiều giáo viên bị rách quần áo ngay khi ngồi lên ghế…

Có lẽ trên đời có trò gì quái quỷ nhất các em cũng nghĩ ra để đối phó với giáo viên. Bản thân tôi đã phải cân nhắc rất nhiều khi nhận lớp nhưng vì đó là công việc nên tôi phải chấp nhận. Hai tháng nhận lớp trôi qua, bản thân tôi đã rất cố gắng để không mắng mỏ các em nặng lời trước lớp, có một số trường hợp cá biệt tôi thường cố gắng gặp riêng để không làm em bị tổn thương.

Khoảng thời gian hai tháng nhận lớp của tôi diễn ra khá suôn sẻ, vượt cả kỳ vọng của cô giáo chủ nhiệm bởi có nhiều giáo viên nhận lớp chỉ vài tuần đã khóc mếu đòi chuyển. Duy nhất có một việc mà tôi cảm giác ngoài tầm kiểm soát của mình, đó là trong các giờ kiểm tra tiếng Anh, nhiều em giở sách vở công khai đến nỗi không thể nhắc được. Cũng không muốn nạt nộ các em thái quá, nhưng thực sự tôi cảm thấy rất bức xúc về việc đó.

Cựu giáo viên người Việt ở Nhật nói về chuyện phạt học sinh: Các em càng tỏ ra hổ báo thì càng yếu đuối và cần được chở che - Ảnh 2.

Học sinh Nhật Bản nghĩ ra nhiều trò quái quỷ để đối phó giáo viên – Ảnh minh họa

Một ngày nọ trước khi vào giờ kiểm tra, tôi cho cả lớp đứng ra khỏi chỗ ngồi. Rồi tôi đứng trước lớp và hỏi: Hôm nay có bài kiểm tra, có em nào trong lớp muốn được điểm cao mà không cần phải làm bài không giơ tay thử cô xem? Không ngoài dự đoán, nhóm những học sinh giở sách vở nhiều nhất giơ tay đầu tiên với vẻ mặt vô cùng phấn khởi.

Một số em học sinh ngoan mặt rất phân vân khó hiểu không hiểu cô giáo đang định làm gì. Và sau đó mình nói tiếp: “Ok vậy cô hiểu rồi. Tất cả những em vừa giơ tay hôm nay sẽ ngồi ba bàn đầu dãy bên đây. Cô giáo cho hẳn đáp án chép thoải mái, chỉ 10 phút là đi về. Đỡ khỏi phải giở trộm sách vở xem và cô giáo nhắc mãi không nghe. Những em nào muốn làm bài nghiêm túc, học lấy kiến thức thực sự ngồi dãy bên kia. Thế có ổn không?”

Lớp học im phăng phắc, không khí chùng xuống và tĩnh lặng. Tôi im lặng và sẵn sàng cho việc tiếp tục đấu trí. Sau đó một vài em huých nhau: “Mày xin lỗi cô đi”. Một số em lí nhí xin lỗi cô giáo, giờ kiểm tra bắt đầu. Chưa bao giờ có một giờ kiểm tra nào nghiêm túc như thế. Sau đó, dù không thể chấm dứt hẳn việc giở trộm sách vở nhưng tình trạng này đã giảm nhiều trong khoảng thời gian còn lại của năm học.

Học sinh “hổ báo” có thật sự đáng ghét và đáng bị trù dập?

Trường học, xét trên nhiều phương diện, đó chính là một cuộc đời, một xã hội thu nhỏ. Trong trường học, các giáo viên gặp đủ kiểu học sinh khác nhau. Đặc biệt tại những trường công lập, hoàn cảnh mỗi gia đình mỗi khác. Có những em gia cảnh khá giả, gia cảnh khó khăn; có những em được gọi là “ngoan” nhưng cũng có nhiều em bị coi là “hỗn hào”, “hổ báo”.

Và thường nhóm cuối cùng bị nhiều thầy cô rất ghét và muốn sử dụng các biện pháp mạnh mẽ nhất để gây sức ép với các em buộc các em nghe lời. Đứng trên nhiều quan điểm khác nhau, mỗi giáo viên sẽ có cách xử lý khác nhau thế nhưng từ cương vị người giáo viên, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta chịu khó đi sâu tìm hiểu cuộc đời của từng em bị coi là “mất dạy”, chắc chắn chúng ta sẽ có thể thông cảm được với các em hơn, nếu thành công, thậm chí có thể cứu được cả một cuộc đời.

Tôi vẫn còn nhớ trong trường cấp 3 nơi tôi dạy có em học sinh tên Tiến Lợi. Khi tôi nhận dạy lớp em, tôi chỉ biết được thông tin duy nhất em hay bắt nạt bạn bè, hay nghịch phá trong lớp, nhưng khi nói đến cha mẹ, em thường hay im lặng và tỏ ra bất cần.

Bằng nhiều cách khác nhau, tôi đã tìm hiểu được hoàn cảnh của em và khi biết được, nước mắt tôi đã rơi. Mẹ của Tiến Lợi sinh được em và một em trai nữa nhưng em trai này bị tật nguyền. Bố Tiến Lợi đã bỏ ba mẹ con đi từ khi hai em còn rất bé, một mình mẹ Tiến Lợi buôn bán ngoài chợ nuôi em ăn học và lấy tiền chạy chữa cho em trai em.

Cựu giáo viên người Việt ở Nhật nói về chuyện phạt học sinh: Các em càng tỏ ra hổ báo thì càng yếu đuối và cần được chở che - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Một gia đình có gia cảnh vất vả như vậy, lại thiếu đi người cha nên em hay bị bạn bè chê cười, cũng dễ hiểu khi em phải gồng lên để bảo vệ cho bản thân mình và em trai mình. Hàng ngày hết giờ đi học, trong khi bạn bè được bố mẹ đưa đón, Tiến Lợi phải ra chợ bán hàng, dọn hàng xén cho mẹ.

Tôi đã ra tận gian hàng của mẹ Tiến Lợi, tất nhiên em nhận ra tôi và chào tôi. Chắc em không nghĩ rằng tôi có thể đến tận đây nên em cúi mặt xuống nói líu ríu. Tôi ngồi cạnh mẹ Tiến Lợi hỏi thăm cô, mẹ em có hỏi tôi Tiến Lợi học thế nào hả cô giáo. Tôi trả lời em cũng ngoan nhưng nhiều lúc chưa tập trung nên kết quả học tập chưa được cao. Và tôi quay ra đập tay lên tay em: “Lợi cố gắng học giỏi để phụ mẹ phụ em nhé.”

Sau lần đó, Tiến Lợi đã thay đổi khá nhiều, em bớt bắt nạt các bạn, em chăm chú học hơn dù nhiều khi vẫn phải gọi riêng nhắc nhở. Sau này tôi được biết dù chỉ học được cao đẳng nhưng em cũng đi làm được ở một công ty xây dựng với mức lương tốt, đủ hỗ trợ cho mẹ và em trai. Tôi cũng thấy hài lòng, vì ít nhất trong khả năng của mình, tôi đã làm tất cả những gì có thể để không đẩy em đi xa tôi hơn nữa.

Nhiều bạn giáo viên có thể thù ghét các em học sinh bị coi là “hổ báo”, nhưng với nhiều giáo viên, thực ra những em học sinh càng tỏ ra “hổ báo”, đánh đập, bắt nạt bạn bè mới là những em học sinh có tâm hồn thực sự yếu đuối và cần được chở che, thông cảm. Bởi bên trong tâm hồn yếu đuối nên các em mới cố tình trang bị cho mình một vẻ ngoài lạnh lùng, cứng rắn để không sợ bị bắt nạt.

Trong rất nhiều trường hợp, cuộc sống gia đình của các em vốn đã không may mắn, nếu giáo viên dang tay ra thương lấy các em, thông cảm với các em, các em sẽ có chỗ dựa và có niềm tin vào cuộc đời. Giáo viên, tốt nhất không nên lấy sự thù hận để đáp lại những gì không may mắn mà cuộc đời đã mang đến cho các em.

Kể lại hai câu chuyện mà tôi từng trải qua trong quãng thời gian đi dạy để nói lên một điều rằng, nếu giáo viên cư xử với học sinh bằng tình thương thực sự, chắc chắn không một em học sinh nào lại nỡ ứng xử tệ với giáo viên.

Có thể khẳng định rằng làm giáo viên là một nghề cực kỳ khó, yêu cầu rất cao về đạo đức cũng như cách ứng xử, chẳng thế mà bất kỳ nước nào trên thế giới đều có bộ nguyên tắc ứng xử của người giáo viên. Không một giáo viên nào chấp nhận việc dùng bạo lực để ứng xử với học sinh bởi bạo lực chỉ làm mất đi mục đích giáo dục và làm mất đi hình ảnh đáng quý của người giáo viên.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Ngọc Diệp – một cựu giáo viên, một nhà báo Kinh tế hiện đang có khoảng thời gian học và làm việc tại Nhật.

Tags:
Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật – Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau!

Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật – Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau!

Sang Nhật Bản du học, một số du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam đã có những hành vi trộm cắp vặt xấu xí, khiến hình ảnh người Việt xấu đi trong mắt người Nhật.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất