Dân Nhật đã bắt đầu sợ tên lửa Triều Tiên
Chưa bao giờ người dân Nhật cảm thấy mối đe dọa từ Triều Tiên hiện hữu rõ như lúc một quả tên lửa Triều Tiên bay ngang qua phần lãnh thổ phía bắc sáng 29-8.
08:12 30/08/2017
Thông điệp khẩn của chính phủ Nhật Bản về vụ bắn thử tên lửa sáng 29-8 của Triều Tiên – Ảnh: REUTERS
Lúc 6h02, những tín hiệu cảnh báo từ điện thoại đã kéo chị Ai Onodera khỏi giấc nồng.
“Tên lửa đã được phóng. Tên lửa đã được phóng. Triều Tiên đã bắn tên lửa. Di tản đến các tòa nhà chắc chắn hoặc trốn xuống hầm”.
Bốn phút trước đó, lúc 5h58, một quả tên lửa đạn đạo Triều Tiên đã rời bệ phóng, hướng thẳng về Hokkaido, một trong các đảo chính của Nhật Bản, nơi chị Onodera sống.
Trong vòng 3 phút sau đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã triệu tập một cuộc họp khẩn, các quan chức được huy động phân tích các thông tin đang dồn dập ập tới.
6h01, chính phủ Nhật Bản gửi cảnh báo mức cao nhất lên hệ thống cảnh báo quốc gia. Toàn bộ cư dân hòn đảo phía bắc đặt trong tình trạng báo động, được cảnh báo về vụ bắn thử tên lửa.
Lao ra khỏi giường trong cơn hoảng loạn, Onodera bật tivi và thấy tất cả các đài truyền hình đều chạy tin khẩn về vụ bắn thử. Onodera lập tức gọi cho chồng, lúc ấy đang đi làm ăn xa chưa kịp về.
“Tôi sợ tôi sẽ không bao giờ được gặp anh ấy nữa”, người phụ nữ 33 tuổi vẫn chưa hoàn hồn sau sự cố, nói với hãng tin Reuters.
Hai phút sau khi hệ thống cảnh báo quốc gia được kích hoạt, lúc 6h06, tên lửa Triều Tiên tiến vào vùng trời Hokkaido. 6h07, khi người ta còn chưa kịp trốn chạy, quả tên lửa với vận tốc hơn 12.000 km/h đã lao vút khỏi không phận Nhật Bản và hướng ra Thái Bình Dương.
Lúc 6h12, tên lửa rơi xuống biển, cách mũi Erimo của Hokkaido khoảng 1.180 km về phía đông. 14 phút căng thẳng trôi qua, không quả tên lửa đánh chặn nào của Nhật Bản được rời ống phóng.
Chưa bao giờ người dân Nhật lại cảm thấy mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên lại rõ ràng đến dường này, nỗi lo sợ và sự bất lực lại lớn đến thế.
Những tháng gần đây, chính quyền Tokyo đã tổ chức nhiều đợt diễn tập sơ tán nếu bị tấn công bằng tên lửa Triều Tiên, nhưng vẫn có rất nhiều người thừa nhận họ như gà mắc tóc trong sáng nay 29-8.
“Ý của chính phủ là gì? Các tòa nhà chắc chắn? Chúng tôi thậm chí còn đang sống trong những khu tạm bợ sau thảm họa sóng thần 2011”, một người dân nói với Reuters.
“Chúng tôi cảm thấy bất lực vì biết không thể làm gì khi tên lửa Triều Tiên đang bay trên đầu mình. ‘Nhật Bản không còn an toàn nữa’, tôi nhắn cho gia đình. Một người lạ đứng gần đó cũng làm như tôi”, anh Hiroaki Kumasaka, một nhân viên nhà xuất bản nói với Reuters.
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản diễn tập di chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot bảo vệ thủ đô Tokyo – Ảnh: REUTERS
Leo thang nguy hiểm
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, tên lửa Triều Tiên bay ngang lãnh thổ Nhật Bản, theo Reuters. Bình Nhưỡng từng phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh bay ngang không phận Nhật vào các năm 1998 và 2009, nhưng bắn tên lửa có khả năng mang đầu đạn lại là một chuyện khác.
Điểm rơi của các tên lửa Triều Tiên trong các đợt bắn thử từ đầu năm đến nay đều là biển Nhật Bản. Tuy nhiên, khoảng cách từ điểm rơi tới lãnh thổ Nhật Bản ngày càng được rút ngắn sau mỗi đợt bắn thử.
Phía Triều Tiên tuyên bố đã chủ động chọn điểm rơi và phá hủy các tên lửa để “không làm phiền các nước láng giềng”.
Một số chuyên gia nhận định việc Triều Tiên bắn tên lửa hướng về Nhật Bản là sự tính toán có chủ đích. Việc bắn tên lửa xuống phía nam (qua lãnh thổ Hàn Quốc) và phía tây (ra Hoàng Hải giáp với Trung Quốc) quá liều lĩnh và có thể khiến Bình Nhưỡng trả giá đắt nếu xảy ra sự cố kỹ thuật.
Trong trường hợp cần thiết, Bình Nhưỡng sẽ điều chỉnh quỹ đạo bắn, hướng thẳng vào các căn cứ quân sự của Mỹ trên đất Nhật Bản.
Triều Tiên: Lỗi tại Mỹ!
Phát biểu tại Hội nghị giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 29-8, ông Han Tae Song, đặc sứ của Triều Tiên, nhấn mạnh vụ bắn thử tên lửa sáng 29-8 là do Mỹ gây sự trước.
Vị này cáo buộc Washington đang “đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực nổ tung bằng cách triển khai các loại vũ khí chiến lược và những cuộc tập trận trong khu vực”.
DUY LINH
Theo tuoitre.vn
Lừa đảo xuất khẩu lao động Nhật Bản: Vì sao nhiều người mắc bẫy?
Thị trường lao động tại Nhật Bản với mức lương cao đang trở thành mục tiêu có độ “hot” nhất đối với người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Lợi dụng thị trường lao động hấp dẫn này, thời gian qua một số đối tượng xấu đã tung ra các chiêu trò dụ dỗ người lao động với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.