Độc giả Dân trí: Sau trạm xăng "chuẩn Nhật", nên mở cửa đầu tư FDI vào điện, nước...
Mới đây, doanh nghiệp lớn thứ 2 Nhật Bản về xăng dầu đã mở trạm bán lẻ xăng dầu đầu tiên có 100% vốn nước ngoài tại khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Phản ứng với sự kiện này, độc giả báo Dân trí đã có nhiều bình luận hân hoan, ủng hộ.
20:00 09/10/2017
Có cạnh tranh là người dân hưởng lợi
Như Dân trí đã đưa tin, cuối tuần trước, Công ty Idemitsu Q8 của Nhật Bản đã khai trương trạm xăng dầu 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Thăng Long (Nội Bài-Hà Nội), đánh dấu mốc doanh nghiệp nước ngoài này tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam.
Nhiều độc giả Dân trí thích thú với trạm xăng Nhật Bản
Cụ thể, bình luận về sự kiện này, nhiều độc giả báo Dân trí đã thể hiện sự ủng hộ, mong muốn doanh nghiệp xăng dầu nước ngoài này mở thêm nhiều trạm xăng ở gần nơi mình sống.
Ví như độc giả Duong Hoai Bac bình luận: “Nếu công ty Nhật Bản đầu tư trạm bán lẻ xăng dầu ở gần nhà tôi, tôi sẽ đổ xăng, dầu ở đó bởi vì tôi tin vào sự minh bạch, thật thà, thái độ phục vụ hơn hẳn các trạm xăng của Việt Nam. Để họ làm thì các doanh nghiệp của mình mới phải học hỏi và thay đổi tư duy kinh doanh được, chứ cứ đôc quyền thì chỉ dân ta là người khổ thôi”.
“Rất tốt! Chắc chắn thị trường xăng dầu sẽ khác trước, cơ chế độc quyền sẽ dần dần được xoá bỏ, minh bạch trong tài chính, chất lượng và số lượng. Người tiêu dùng sẽ được phục vụ tốt hơn, yên tâm với mọi dịch vụ của người Nhật!”, độc giả Dương Công Minh nhận định.
Nhiều bạn đọc của Dân trí cũng thể hiện rằng mình nhiệt liệt hoan nghênh vì điều này tránh được độc quyền tăng giá.
Độc giả với tên Nông Dân Việt cũng cho hay càng nhiều doanh nghiệp ngoại tham gia cạnh tranh với doanh nghiệp độc quyền trong nước thì dân càng bớt khổ, không thì mãi mãi chịu thiệt vẫn là người dân!
Chất lượng và thái độ phục vụ chuẩn Nhật
Bên cạnh đó, sự thay đổi của giá xăng dầu khi cạnh tranh xuất hiện cũng là một vấn đề được nhiều độc giả quan tâm. Ví như độc giả Minh Nguyen chia sẻ: “Hoan hô! Không biết giá xăng có giảm xuống không nhưng tôi sẽ được sử dụng dịch vụ tốt khi bỏ tiền ra mua chứ ko phải vừa mất tiền mà thái độ phục vụ thì kém, hơn nữa sẽ được nhận đủ lượng xăng mình bỏ tiền ra mua chứ ko phải lo bị ăn bớt”.
Đồng tình với độc giả Minh Nguyen, nhiều độc giả cũng cho biết, dù giá không rẻ hơn chăng nữa vẫn thích mua xăng ở cây xăng mới này vì yên tâm hơn về chất lượng và số lượng chính xác đến 0,01 lít.
Tuy nhiên, độc giả Phạm Văn Chính lại phản bác: “Chẳng ăn thua đâu, các bạn đừng kỳ vọng sẽ có làn gió mới!! Các bạn nên nhớ, thị trường xăng dầu vốn dĩ không hoạt động trên cơ chế thị trường, nên không bao giờ có chuyện giá xăng sẽ có lợi cho người dân!!”.
Hơn nữa, thái độ phục vụ của nhân viên tại cây xăng cũng là một yếu tố khiến nhiều độc giả quan tâm và so sánh độ chuyên nghiệp giữa các doanh nghiệp với nhau.
Theo đó, độc giả Phạm Lê Thanh thằng thắn chia sẻ: “Tốt quá, tìm doanh nghiệp này đổ xăng cho thoải mái, chứ đổ cây xăng Petro toàn gặp nhân viên không tôn trọng khách hàng gì hết, ăn nói cộc cằn theo kiểu xin cho”.
Về khía cạnh này, độc giả Việt Sỹ Trần bình luận: “Ở Nhật Bản, khi đi đổ xăng, nhân viên tại trạm xăng còn lau kính xe, lấy rác, tàn thuốc trong xe nếu có và cúi đầu chào khi bơm xong xăng cho khách hàng”.
Đại gia Nhật mở trạm xăng tại Việt Nam
Đặc biệt, độc giả Son Nguyen Ngoc là người đã đến cây xăng mới khai trương này của doanh nghiệp Nhật Bản và chia sẻ rằng: “Mình đã vào đổ 1 lần sau ngày khai trương, thấy phong cách phục vụ tốt, chào hỏi lịch sự. Đổ 1 lần rồi mình có cảm giác muốn đến lần sau nữa. Chẳng có cửa hàng xăng dầu nào trước kia khiến mình có cảm giác như vậy nên sẽ ủng hộ nhiệt tình. Mong rằng tương lai sẽ mở nhiều trạm bán lẻ hơn”.
Sau xăng sẽ là điện và nước?
Với bước đi đầu của doanh nghiệp Nhật Bản trong thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, nhiều độc giả tỏ ra rất có niềm tin vào ngành điện và nước cũng sẽ được cởi bỏ “lớp áo” độc quyền bao lâu nay.
Cụ thể, nhiều độc giả như độc giả Huan Minh, Đại Dương, Cự Giải,... rất mong chờ có thêm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và tham gia kinh doanh trong ngành điện và nước sạch.
Ví như các bình luận: “Còn điện và nước nữa. Cố lên”, “Sắp tới sẽ là ngành điện, nước nhé!” hay “Đến bao giờ mới đến ngành điện, ngành nước?”,...
Tóm lại, các độc giả này cho rằng có thế thì mới bỏ được cơ chế bao cấp tồn tại bao nhiêu năm nay trong hai ngành xương sống này.
Việc mở trạm xăng có 100% vốn nước ngoài mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình thâm nhập thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã được khá nhiều người dân đón nhận và ủng hộ nhiệt tình. Tựu chung, đây vừa là niềm hy vọng mới của người dân, vừa là động lực cạnh tranh để các doanh nghiệp trong nước cùng phấn đấu tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng hơn.
Nguồn: Dantri.com.vn
Người Nhật nuôi dạy con kiên cường chỉ bằng câu “Cố gắng lên con” như thế nào?
Tính kiên cường là chìa khóa để giải quyết căng thẳng và tăng hiệu suất hoạt động. Người Nhật Bản hiểu điều này, theo đó, họ luôn dạy con cái tính kiên cường ngay từ khi chúng còn nhỏ.