GoTo, chiến dịch kích cầu hậu Covid-19 “có một không hai” của Nhật Bản
Giống như các quốc gia khác trên thế giới, dịch Covid-19 đã khiến Nhật Bản phải hứng chịu những tổn thất nặng nề về tất cả các phương diện, đặc biệt là kinh tế.
10:00 25/06/2020
Một số nhóm ngành gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông” suốt nhiều tháng trời. Và để vực dậy nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất ra hàng loạt các phương án trong đó có “Chiến dịch Go To”, một chiến dịch kích cầu độc đáo, được coi là “có một không hai” của đất nước mặt trời mọc.
Chiến dịch Go To là gì?
Chiến dịch Go To là một chiến dịch kích thích nhu cầu của người dân nhằm hỗ trợ các nhóm ngành chịu thiệt hại lớn nhất từ ảnh hưởng của đại dịch như du lịch, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, công nghiệp giải trí, sự kiện,…qua đó giúp khôi phục kinh tế địa phương sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Gói kích cầu này có giá trị lên đến 1700 tỉ yên được lấy từ ngân sách bổ sung của năm tài khóa 2020 và dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai vào đầu tháng 8 tới.
Chiến dịch được chia thành 4 chiến dịch nhỏ:
- Go To Travel
- Go To Eat
- Go To Event
- Go To “Phố mua sắm”
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về từng chiến dịch nhé!
Go To Travel
Ảnh: ac-illust.com
Go To Travel là chiến dịch đươc nhiều người mong chờ nhất và cũng là chiến dịch được đầu tư khủng nhất trong Go To.
Đây là chiến dịch kích cầu du lịch nội địa bằng chính sách hỗ trợ tối đa mỗi người 50% chi phí chuyến đi (tối đa 2 man 1 người 1 đêm đối với du lịch dài ngày và 1 man với du lịch trong ngày) khi đặt tour qua các công ty du lịch. Cụ thể, 70% số tiền được hỗ trợ sẽ dùng vào giảm giá chi phí tour và 30% còn lại được quy đổi dưới hình thức coupon có mệnh giá 1000 yên để du khách dùng mua sắm đặc sản địa phương hay ăn uống, vui chơi,.. tại địa điểm du lịch. Trong trường hợp chưa đủ 1000 yên thì số tiền sẽ đổi theo quy tắc làm tròn. Đặc biệt, Go To Travel sẽ không giới hạn số ngày du lịch và số lần khách hàng sử dụng. Với khoản đầu tư lên tới hơn 1000 tỉ yên thì đủ biết quy mô của chiến dịch này lớn đến như thế nào.
Dự kiến khoảng thời gian thực thi chiến dịch là từ đầu tháng 8 năm 2020 đến giữa tháng 3 năm 2021.
Ảnh: Tài liệu do Cục du lịch Nhật bản ban hành tại thời điểm ngày 16/6
Lấy ví dụ để mọi người hình dung rõ hơn. Trường hợp 1, nếu chi phí thuê phòng là 2 man 1 người 1 đêm thì người đó sẽ được hỗ trợ tối đa 50% số tiền, tức là 1 man. Trong đó, sẽ được giảm 70%, tức 7 sen từ phí tour, 30% còn lại (3 sen) sẽ được phát dưới dạng coupon của địa phương. Trường hợp 2, chi phí thuê phòng là 10 man 1 người 1 đêm thì sẽ được hỗ trợ tối đa 2 man, trong đó được giảm 1,4 man từ phí tour và nhận coupon trị giá 6 sen.
Ảnh: Tài liệu do Cục du lịch Nhật bản ban hành tại thời điểm ngày 16/6
Hoặc một ví dụ khác, nếu chi phí một người ở một tour du lịch 3 ngày 2 đêm (bao gồm chi phí đi lại khứ hồi, tiền phòng,..) hết tổng cộng 10 man thì sẽ được hỗ trợ tối đa 2 đêm*2 man là 4 man. Trong đó, 2,8 man (tương đương 70%) sẽ được giảm cho phí tour (tức là người đó sẽ chỉ phải trả 7,2 man/ 10 man tổng chi phí), còn 1,2 man (30%) sẽ được phát dưới dạng coupon mua sắm.
Ảnh: Tài liệu do Cục du lịch Nhật bản ban hành tại thời điểm ngày 16/6
* Những hình thức du lịch được giảm giá
Ảnh: Tài liệu do Cục du lịch Nhật bản ban hành tại thời điểm ngày 16/6
Cả du lịch dài ngày và du lịch trong ngày đều là hình thức được giảm giá.
Với du lịch dài ngày, du khách có thể đăng kí qua các công ty du lịch như JTB, Nippon Travel Agency, JAL, ANA, KNT-CT hay các trang online như Jalan, Rakuten travel hoặc có thể đến trực tiếp đặt ở các khách sạn, nhà trọ kiểu Nhật hay thậm chí các nhà trọ tư nhân (có đăng kí). Ngoài ra, các hình thức du lịch tập thể, du lịch nghiên cứu hay du lịch trọn gói gồm phòng trọ, đi lại (máy bay, xe bus đường sắt,…) cũng đều thuộc đối tượng giảm giá của chiến dịch. Tuy nhiên, nếu du lịch cá nhân thì chi phí đi lại nằm ngoài phạm vi.
Tương tự trường hợp du lịch dài ngày, với du lịch trong ngày, du khách cũng có thể đăng kí qua các công ty du lịch hay các trang online. Các hình thức tour trọn gói gồm vé đi lại khứ hồi và bữa ăn, vui chơi tại nơi tham quan cũng được giảm giá.
* Coupon của địa phương
30% chi phí được hỗ trợ sẽ được quy đổi thành coupon dưới dạng phiếu hoặc coupon điện tử trên điện thoại di động. Mỗi coupon có giá trị 1000 yên, khách hàng có thể sử dụng tại các nơi bán đặc sản địa phương, nhà hàng, quán cà phê, các điểm vui chơi giải trí hay các phương tiện giao thông,..
Ảnh: Tài liệu do Cục du lịch Nhật bản ban hành tại thời điểm ngày 16/6
Go To Eat
Ảnh: amanaimages.com
Giống như tên gọi, nếu như Go To Travel là chiến dịch kích cầu ở lĩnh vực du lịch nội địa thì Go To Eat chính là chiến dịch kích cầu ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Với Go To Eat, khi đặt bàn qua trang web trực tuyến, khách hàng sẽ được tích điểm tại nhà hàng (tối đa mỗi người được nhận số điểm tương đương 1000 yên) và được phát thẻ ăn uống premium (loại đặc biệt, giảm giá tối đa 20%). Điểm được tích sẽ được sử dụng vào những lần sau.
Lưu ý chiến dịch này chỉ được áp dụng khi khách hàng đặt online.
Ảnh: Tài liệu do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp phát hành
Go To Event
Ảnh: edmontonfetalalcoholnetwork.org
Khi đặt vé các sự kiện hay chương trình giải trí thông qua các công ty bán vé, mỗi khách hàng sẽ được giảm giá 20% hoặc được nhận coupon mua sắm.
Go To “Phố mua sắm”
Ảnh: travelersnavi.com
Đây là một chiến dịch nhằm kích cầu các khu mua sắm trên toàn quốc bằng cách hỗ trợ các nỗ lực của họ như tổ chức các sự kiện thu hút khách hàng đến thăm quan và mua sắm.
Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa 3 triệu yên cho mỗi khu mua sắm. Tuy nhiên, với các khu mua sắm đang quảng bá trên diện rộng hoặc tiến hành phát triển các sản phẩm du lịch thì mức hỗ trợ có thể lên đến 5 triệu yên.
https://www.travel.co.jp/guide/howto/590/
Theo: isenpai.jp
COVID-19 ngày 24/6: Dỡ bỏ hạn chế đi lại, số ca nhiễm tại Nhật vẫn tăng cao
Sau khi dỡ bỏ hạn chế đi lại trên toàn Nhật Bản vào ngày 18/06, hôm 23/6 là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm tại quốc gia này vẫn tăng cao khi vượt quá ngưỡng 40.