Nhật Bản: Cuộc đua căng thẳng vào mẫu giáo công lập
Tỉ lệ sinh tại Nhật Bản đang ở mức thấp nhất lịch sử nhưng quốc gia này lại đang đối mặt với vấn đề ít ai ngờ: Thiếu nơi trông giữ trẻ. Khoảng trống này đang mở ra cơ hội lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.
15:00 25/04/2018
Thiếu trường mầm non cản trở phát triển kinh tế
Trong 34 khu vực hành chính được Nikkei Asian Review khảo sát năm ngoái, 16 khu vực cho biết trung tâm giữ trẻ tại đó đang có một danh sách dài xếp chỗ cho năm sau – bất chấp thực tế là tổng số trẻ đăng kí chỗ đã giảm xuống.
Nhật Bản đã mở rộng mạng lưới trung tâm giữ trẻ trong những năm gần đây nhưng còn nhiều việc phải làm. Vấn đề này gây trở ngại cho kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe cải thiện sự tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động – và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn.
Nhưng hơn 2 năm sau khi dư luận xã hội nóng lên vì bài viết của một bà mẹ trên mạng xã hội liệt kê những khó khăn của một bà mẹ khi không có chỗ gửi con – lời giải dường như bất ngờ xuất hiện khi các nhà đầu tư nước ngoài ngắm nghía thấy cơ hội kinh doanh hấp dẫn từ thị trường trông trẻ này.
Một trong những công ty này là Busy Bees “Những con ong chăm chỉ” một tập đoàn kinh doanh dịch vụ chăm sóc trẻ có sự hiện diện tại Singapore và Malaysia. Công ty này hiện không có trung tâm nào tại Nhật nhưng Busy Bees cho biết “nghiêm túc” về thị trường Nhật – mặc dù không tiết lộ chi tiết kế hoạch đầu tư.
Busy Bees nhắm tới Nhật bởi ngành chăm sóc trẻ em ở nước này đang tăng trưởng nhanh – theo June Rusdon, Giám đốc điều hành Busy Bees châu Á. Ngoài ra, công ty coi đây là cơ hội có kiến thức sâu hơn cũng như tiếp thu những tinh tuý từ giáo dục sớm của Nhật Bản cho hoạt động kinh doanh quốc tế sau này.
EtonHouse, một công ty có trụ sở tại Singapore đã có một cơ sở hiện diện tại Nhật Bản.
Nhu cầu với nhà trẻ mẫu giáo quốc tế cũng được thúc đẩy bởi mong muốn giáo dục Anh ngữ ở phụ huynh tăng lên, theo Tan Anli, Giám đốc Trường Mầm non quốc tế EtonHouse tại Tokyo.
Công ty này điều hành một trung tâm tại Tokyo, nơi học phí lên tới 2,5 triệu yen (23.694 USD) mỗi năm. Mức phí cao như vậy không làm giảm sự quan tâm: Trường hiện đã tuyển đủ chỉ tiêu.
Chưa giải quyết gốc rễ vấn đề
Thủ tướng Abe cam kết cắt giảm danh sách chờ đợi xuống 0 vào tháng 3/2021 nhưng nhiều ý kiến hoài nghi, đặc biệt khi chính phủ đã có cam kết tương tự vào năm 2013.
Trong khi thiếu nhà trẻ là bởi nhiều nhân tố, nguyên nhân gốc rễ là thiếu ngân sách – Susumu Nishioka, giảng viên Đại học Tohoku, Nhật Bản – phân tích.
Ông nói rằng “chiến lược không có trẻ em xếp hàng đợi” của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi năm 2001 cuối cùng không đạt được mục tiêu bởi không tăng thuế bù đắp chi phí.
Mật độ dân số tại những thành phố lớn hơn, như Tokyo và Osaka, làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nơi trông trẻ tại khu vực đô thị – Nishioka nói.
Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng thiếu nhân viên. “Rất khó để tìm nhân viên chăm sóc trẻ” – Mika Ikemoto, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận xét. Cô chỉ ra lương trong lĩnh vực này thấp so với mặt bằng chung.
Ikemoto cũng cho rằng, giảm cơ học trẻ em cũng dẫn tới nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường trông giữ trẻ không hứa hẹn sinh lời.
Học phí trường công tại Nhật Bản rẻ hơn nhiều trường tư do được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Cuộc cạnh tranh xin học trở nên vô cùng quyết liệt, đặc biệt là những thành phố lớn như Tokyo thì tỉ lệ chờ rất cao. Sau quá trình xét duyệt căng thẳng, khoảng cuối tháng 2 hàng năm sẽ có giấy thông báo con có được trúng tuyển hay không và người toại nguyện tựa như trúng số độc đắc.
Số liệu của chính phủ hồi tháng 4 năm ngoái cho thấy có 26.081 trẻ xếp hàng đăng kí học trường mầm non.
‘Ngã 7 lần, đứng dậy 8 lần’ – Sự can trường Nhật Bản hình thành từ những ngôi trường mẫu giáo
Ở trường học Nhật Bản, từ cấp mẫu giáo, trẻ nhỏ được dạy đi dạy lại bài học xếp dép ở ngoài cửa lớp cho tới khi nhuần nhuyễn, rồi lại được thực hành đi thực hành lại bài học về cất đồ chơi… Cô giáo sẽ kiên trì yêu cầu trẻ hoàn thành mà không có sự nhân nhượng, ưu tiên nào.