Nhật Bản với triều đại Lệnh Hòa

Với lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito, Nhật Bản bước vào một kỷ nguyên mới có tên gọi Lệnh Hòa, vốn có nghĩa là ngọn gió xuân lành. Thiên hoàng Bình Thành Akihito, trong bài phát biểu tại lễ thoái vị, đã bày tỏ hy vọng vương triều mới của người kế vị sẽ thật "ổn định và thịnh vượng".

21:00 06/05/2019

Và dù chỉ mới bước vào những ngày đầu tiên của triều đại Lệnh Hòa, nền kinh tế Nhật đã hồ hởi rộn ràng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thức thời, trong đó có những sản phẩm, dịch vụ rất đặc biệt.

Triều đại thịnh vượng

Một công ty Nhật Bản, Minoru Inamoto, vừa thắng lớn nhờ việc kinh doanh những chiếc lon chứa "không khí của thời đại vừa đi qua", với giá 1.080 yen/sản phẩm (khoảng 225.000 đồng). Chúng không chứa gì ngoài… không khí và một đồng xu 5 yen - thường được coi là một đồng tiền may mắn. 

"Không khí là miễn phí, nhưng thời Bình Thành đã qua đi mãi mãi. Với sản phẩm này, vào một thời khắc nào đó trong tương lai, bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành của Bình Thành với rất nhiều hoài niệm tốt đẹp. Bạn cũng có thể chỉ giữ nó như một vật kỷ niệm" - Chủ tịch Công ty Minoru Inamoto chia sẻ với phóng viên hãng tin AFP. 

Những chiếc lon này được sản xuất tại làng Henari (tỉnh Gifu, miền Trung Nhật Bản) được trang trí bằng những ký tự giống như được dùng ở thời đại Bình Thành, bán tại các tiệm tạp hóa và trực tuyến. Tất nhiên, đây chỉ là một trong nhiều sản phẩm được giới kinh doanh Nhật Bản tung ra trong dịp này.

Nhật Bản với triều đại Lệnh Hòa ảnh 1

Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito. 

Công ty TNHH Takashimaya ở quận Nihonbashi, thủ đô Tokyo, đã tung ra thị trường một bộ các đồng xu Koban có hình trái xoan bằng vàng, giá lên tới 1,29 triệu yen/đồng (khoảng 11.600USD), hoặc các thỏi vàng nặng 100g trên đó khắc niên hiệu 2 thời kỳ Heisei (Bình Thành) và Reiwa (Lệnh Hòa). Rồi những viên kẹo, socola, áo pull, nhãn dán, vỏ điện thoại thông minh, chai rượu sake phổ biến nhất của kỷ nguyên Bình Thành… của nhiều nhãn hàng nhỏ ăn theo, tất cả đều bán chạy như tôm tươi.

Khách sạn sang trọng Shibuya Excel Tokyu (Tokyo) cũng không bỏ lỡ cơ hội. Nằm gần giao lộ Shibuya, khách sạn này đã tổ chức dịch vụ “vừa ăn vừa đếm ngược” trên tầng 25 trong hệ thống nhà hàng của mình để thực khách có điều kiện chứng kiến giây phút giao thời đặc biệt của đất nước. Một hãng khác, Takara Shuzo, nhà sản xuất rượu sake có trụ sở tại Kyoto, cũng đã chạy hết công suất cả 3 nhà máy để đảm bảo nguồn cung loại thức uống quốc hồn quốc túy cho người dân Nhật Bản trong dịp này. 

Chuỗi nhà hàng gia đình Royal Host lại tung ra thực đơn mới để đánh dấu sự bắt đầu của Lệnh Hòa. Đáng lưu ý hơn cả là Kiku Monaka - chiếc bánh quế được tạo hình hoa cúc, phết mứt đậu. Hoa cúc không chỉ là biểu tượng của Hoàng gia Nhật Bản, còn mang ý nghĩa trường thọ, “cải lão hoàn đồng”. Royal Holdings cho rằng món món Kiku Monaka thể hiện sự vui mừng và cũng là lời chúc mừng được gửi đến Nhật hoàng Naruhito. 

Còn Q CAFE ở Tokyo Midtown Hibiya - một trong những khu mua sắm sang trọng của thủ đô - lại phục vụ một thực đơn cao cấp đặc biệt cho đến hết ngày 6-5 với giá 2.500 yen (tương đương 520.000 đồng), bao gồm socola, salad trái cây, rong biển, cá hồi hun khói, bánh mì phô mai, kem và một lựa chọn về đồ uống.

Khách sạn Ritz-Carlton ở Osaka tung ra món cocktail mới lấy cảm hứng từ niên hiệu Lệnh Hòa. Kaoru-Reiwa - tên gọi của loại cocktail mới này -  được pha chế từ rượu sake có xuất xứ từ Kyoto, rượu vodka và hỗn hợp siro dâu, cà chua bi và quýt. Kaoru-Reiwa đã được cả thực khách nam và nữ ưa chuộng. Thị trường chứng khoán Tokyo cũng được dự báo sẽ có những phản ứng tích cực khi mở cửa trở lại vào ngày 7-5. Dự báo này có cơ sở bởi ngày 1-4, khi tên gọi “Lệnh Hòa” của triều đại mới được công bố, giá cổ phiếu của hàng loạt công ty đã tăng ở mức 2 con số.

Kinh tế tăng trưởng ổn định

Làn sóng kinh doanh hứng khởi mở đầu thời kỳ Lệnh Hòa đã rõ, nhưng có câu hỏi các chuyên gia kinh tế còn đang quan tâm hơn: tăng trưởng về lâu dài ra sao?

Theo ông Hideo Kumano, Kinh tế trưởng điều hành Viện Nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi, tác động của sự chuyển giao thời đại này có thể sẽ lâu dài. Các nghi lễ hoàng gia và những di tích lịch sử liên quan đến Hoàng gia năm nay chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách du lịch quốc tế và nội địa. Hơn nữa, một số sự kiện lớn khác cũng sắp được tổ chức tại Nhật Bản, trong đó Vòng chung kết bóng bầu dục thế giới sắp diễn ra ở Tokyo. Điều đó giúp sức cho thị trường mua sắm tiêu dùng ở những thời khắc mang tính kỷ niệm. 

Kinh tế gia trưởng của Công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS Asset Management, ông Akiyoshi Takumori, cho biết, năm 1989 - thời điểm Nhật hoàng Akihito lên ngôi với niên hiệu Heisei (Bình Thành) và năm 2000, khi thiên niên kỷ mới bắt đầu, đều là những năm có chi tiêu dùng và đầu tư vốn rất mạnh, nhất là trong quý I. Năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp cao kỷ lục và các hoạt động xây dựng đang “bùng nổ” để chuẩn bị cho Đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020.

Theo thông lệ ở Nhật Bản, nếu Nhật hoàng băng hà, Nhật hoàng mới sẽ lên ngôi. Tuy nhiên, lần này, Nhật hoàng Bình Thành (Nhật hoàng Akihito) vẫn còn khỏe mạnh, nên người dân Nhật Bản không phải phục tang, mà họ có thể hoàn toàn hồ hởi, vui tươi bước vào triều đại mới. 

Theo: saigondautu.com

Tags:
Tân Thái tử phi Kiko: Nàng dâu chuẩn mực, hoàn hảo đến khó tin, được lòng cả dân chúng Nhật Bản

Tân Thái tử phi Kiko: Nàng dâu chuẩn mực, hoàn hảo đến khó tin, được lòng cả dân chúng Nhật Bản

Dù sống trong Hoàng cung với những luật lệ hà khắc nhưng Tân Thái tử phi Kiko đã vượt qua tất cả, trở thành một nàng dâu chuẩn mực, được lòng cả gia đình nhà chồng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất