Những cây hoa anh đào lịch sử của Tokyo
Không khí mùa xuân đã ngập tràn đâu đây rồi, và chắc ai trong chúng ta cũng đang háo hức chờ một mùa sakura nữa tới. Vậy nên trong bài viết này chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu những trang sử của một vài điểm ngắm sakura nổi tiếng của Tokyo.
11:30 20/03/2018
Shinjuku Gyoen
Nơi ở của gia tộc Naito, được shogun ban cho từ thời Edo, là khởi nguyên của công viên quốc gia này. Lãnh chúa của khu đất đất đã xây nên công viên này vào năm 1772. Hiện nay nơi này có khoảng 1500 cây sakura ra hoa hầu hết vào mùa xuân. Những cây sakura hoa rủ nở vào cuối tháng 3. Loài sakura Tokyo nở vào đầu tháng 4 và sakura Kanzan nở vào cuối tháng 4.
Rikugien
Một trong những khu vườn cảnh phong cách Nhật Bản đẹp nhất của Tokyo, tên của khu vườn có nghĩa là “Khu vườn Sáu nguyên tắc của thơ ca”, lấy cảm hứng từ sáu yếu tố trong thơ waka. Yanagisawa Yoshiyasu, một samurai thân cận của shogun Tokugawa thứ năm, Tokugawa Tsunayoshi, đã xây dựng Rikugien từ năm 1695 tới năm 1702. Dù khu vườn nổi tiếng nhất với những cây phong lá đỏ, nó cũng có những cây hoa anh đào được trồng gần cổng chính. Với tuổi thọ gần 100 năm tuổi, những cây hoa này nở vào giữa đến cuối tháng 3.
Công viên Ueno
Công viên nổi tiếng này được thành lập vào năm 1873, nhưng trước đó, nơi đây là một ngôi đền được gọi là Kan’ei-ji, bị phá hủy vào năm 1868 trong Cuộc chiến Boshin. Trong số nhiều điểm tham quan hấp dẫn trong công viên, nơi đây có khoảng 800 cây anh đào. Và nếu tính gộp cả những cây được trồng ở các đền trong công viên như đền Ueno Tōshō-gū, cộng với những cây ở khu vực xung quanh, con số này sẽ là hơn 1,200 cây.
Công viên Koganei
Công viên lớn thứ hai ở Tokyo (khoảng gấp 1.5 lần công viên Ueno), vườn cây sakura của công viên Koganei bao gồm loại sakura núi và sakura Yoshino. Công viên này trước đây thuộc một khu vực rộng lớn được xây dựng năm 1940 để kỷ niệm ngày kỷ niệm ngày thành lập nước Nhật lần thứ 2600. Nó được Hoàng tử sử dụng như một nơi ở tạm thời sau Thế chiến II, và phần lớn khu đất đó bây giờ đã trở thành công viên như chúng ta đã thấy.
Công viên Sumida
Công viên Sumida có khoảng 700 cây anh đào nằm dọc bờ sông Sumida. Hàng cây này nổi tiếng tới mức đã có được 1 vị trí trong danh sách 100 địa điểm ngắm sakura tuyệt nhát tại Nhật Bản. Chúng được trồng bởi Tokugawa Yoshimune, shogun Tokugawa thứ 8 của Nhật Bản, người nắm quyền từ năm 1716 cho đến năm 1745.
Công viên Inokashira
Inokashira Onshi Kōen (gọi tắt là Công viên Inokashira) nằm ở phía Tây Tokyo, Nhật Bản. Đây là nơi sông Kanda bắt đầu. Được xây dựng vào năm 1918, đây là công viên đầu tiên mà Thiên hoàng ban tặng cho người dân. Tại đây có khoảng 400 cây sakura Yoshino mọc sát cạnh bờ hồ. Những cành của chúng vươn dài ra trên mặt hồ tạo nên một khung cảnh thực sự hữu tình.
Phần phụ: Hachioji
Nếu bạn lên kế hoạch cho một chuyến đi, bạn nên ghé thăm thành phố này ở phía tây chồn thành đô Tokyo này. Bạn có thể thấy vô vàn những cây sakura mà một vài cây trong số chúng có thể đã vài trăm năm tuổi.
Chùa Zen Koonji có một số những cây sakura khá lớn, bao gồm cả một anh đào núi 300 năm tuổi và cây anh đào rủ 200 năm tuổi. Theo truyền thuyết, một viên quan quyền cao chức trọng tên là Ōe no Hiromoto đã xây dựng ngôi chùa vào năm 1389. Mặc dù Cuộc vây hãm Odawara của Toyotomi Hideyoshi (1590) đã khiến nơi đây bị thiêu rụi, Tokugawa Ieyasu đã khôi phục lại nó ngay năm sau đấy. Ngôi chùa được xây dựng lại sau khi bị thiêu rụi toàn bộ một lần nữa nhưng cổng vào của ngôi chùa đã biến mất hoàn toàn vào năm 1697.
Vườn Khoa học Rừng Tama, một vườn ươm ở chân núi Takao có khoảng 2000 cây thuộc 250 giống sakura khác nhau. Ngoài ra còn có 13 ha rừng tự nhiên và một vườn ươm khác với các loại thực vật trong nước và nước ngoài. Takeda Shingen đã từng chiến đấu chống lại Hojo Ujiteru trên vùng đất này trước khi những binh tướng nhà Tokugawa chiếm quyền kiểm soát toàn lãnh thổ.
Nguồn: Isenpai.jp
Nhật Bản sẽ đón mùa hoa anh đào sớm hơn năm ngoái
Dự báo từ các trung tâm khí tượng của Nhật Bản cho biết năm nay mùa hoa anh đào sẽ đến sớm hơn mọi năm khoảng 6 ngày và trải dài trong khoảng một tháng từ Bắc vào Nam.