Những lần du khách khiếm nhã khiến người Nhật khó chịu
Trong tiếng Nhật, "kanko kogai" có nghĩa là "ô nhiễm du lịch". Đây là thuật ngữ người Nhật dùng để chỉ hành vi khiếm nhã của du khách, ảnh hưởng tới cuộc sống của dân bản địa.
18:00 02/12/2019
Trước tình trạng quá tải khách du lịch, chính quyền thành phố Kyoto (Nhật Bản) đã ban hành lệnh cấm chụp ảnh selfie ở một số địa điểm của quận trung tâm Gion.
Khoản tiền phạt lên đến 10.000 yen (92 USD) với người vi phạm. Trước khi luật cấm được ban hành, nhiều du khách nước ngoài có hành vi quấy rối maiko và geisha tại Kyoto, tự ý chụp hình những người này. Ngoài ra, có khách du lịch còn làm ảnh hưởng tới các hộ dân ở khu phố cổ Kyoto khi chụp ảnh ồn ào bên những ngôi nhà cổ. Ảnh: Flickr.
Maiko là những geisha tập sự, có độ tuổi rất trẻ, chỉ khoảng 15-20. Vì vậy họ e thẹn và ngại tiếp xúc với người lạ. Theo CNN, có nhiều maiko trẻ tuổi ở Kyoto đã bật khóc khi bị du khách kéo vạt áo, nắm tay để chụp hình cùng. Việc làm này của du khách không những ảnh hưởng tới tâm lý của các maiko mà còn gây phiền hà tới cuộc sống riêng của họ. Các maiko trên đường phố tại Kyoto đều đang trong quá trình học việc, họ luôn tất bật và phải đúng giờ tuyệt đối. Ảnh: Shutterstock.
Mới đây, Khoa Pug, một vlogger người Việt, cũng có hành vi khiếm nhã tương tự với nhân viên phục vụ tại nhà hàng ở Kyoto. Trong đoạn video vlogger đăng tải, nữ phục vụ tỏ ra khó chịu, nói rằng mình không phải đồ vật để người khác tự ý quay, chụp và người này đã bỏ ra ngoài ngay lập tức. Mặc dù nhà hàng Khoa Pug dùng bữa cho phép du khách ghi hình, việc tự ý ghi hình người khác khi chưa xin phép lại bị coi là hành động bất lịch sự ở Nhật. Sự việc khiến nhiều du học sinh Nhật, blogger Việt bày tỏ sự bức xúc. Ảnh cắt từ clip.
Ngoài việc chụp hình bừa bãi, người Nhật cũng bức xúc với những du khách cho nai ở Nara ăn bừa bãi dẫn đến ngộ độc. Theo Soranews, trong 6 tháng đầu năm, tổng cộng 8 con nai ở công viên Nara đã chết không rõ nguyên nhân, trong đó 6 con được phát hiện có khối lượng lớn túi nhựa trong dạ dày. Công viên Nara đã có biển cảnh báo không cho nai ăn thức ăn lạ, nhưng nhiều du khách vẫn cầm túi nhựa từ bên ngoài, đựng thức ăn lạ và cho nai ăn. Có không ít con nai đã vô tình cắn cả túi nylon do du khách đem theo vì chúng không phân biệt được thức ăn và nhựa. Ảnh: CNN.
Các điểm du lịch tâm linh ở Nhật cũng bị đe doạ bởi vấn nạn kanko kogai. Hình ảnh một du khách Trung Quốc nhảy vào hồ thiêng trong đền cổ Kiyomizu (Kyoto) từng khiến người Nhật phẫn nộ. Hành động này được coi là sự thiếu tôn trọng văn hóa ở Nhật và làm ô nhiễm nguồn nước. Chùa Nanzo (Fukuoka), nơi có tượng Phật nằm bằng đồng lớn nhất thế giới, từng phải hạn chế khách du lịch theo đoàn vì quá tải. Hơn nữa, nhiều đoàn khách trước đó đã gây ồn ào, leo lên mái chùa, làm ảnh hưởng đến không khí linh thiêng của ngôi đền. Ảnh: Daily Mail.
Rừng tre lâu đời Arashiyama từng đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại bởi du khách tham quan khắc chữ lên thân cây. Theo Straits Times, năm 2018 có ít nhất 100 cây tre trong khu rừng tre Arashiyama bị hủy hoại với các hình chạm khắc tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn. Rừng tre cổ ở Kyoto được người Nhật coi như điểm đến linh thiêng. Ảnh: Straits Times.
“Việc khắc lên thân có thể gây nguy hại đến những cây tre nghìn tuổi. Tre được nối với nhau bằng rễ, nếu một cây bị hư thì các cây khác cũng sẽ ảnh hưởng. Để bảo tồn khu rừng, cần phải chặt những cây tre bị hư. Vì vậy, du khách nên dừng lại các hành vi gây hại cho tre”, ông Takayuki Suzuki, quản lý khu rừng chia sẻ trên Nippon News Network. Ảnh: Gaijinpot.
Tại Nhật Bản, những du khách xăm mình không được phép sử dụng bể tắm nước nóng công cộng. Tuy nhiên, nhiều du khách có hình xăm vẫn thản nhiên tắm tại các bồn tắm công cộng, khiến người Nhật sợ hãi, khó chịu. Ở Nhật Bản, chỉ có những thành viên thuộc băng đảng Yakuza mới xăm mình, vì thế khi nhìn thấy những du khách có hình xăm, nhiều người địa phương sẽ cho rằng đó là thành viên thuộc tổ chức xã hội đen. Ảnh: Japan Times.
Theo CNN, sở du lịch thành phố Kyoto cũng phối hợp với một công ty lữ hành có tiếng trên thế giới, xuất bản cẩm nang dành cho khách du lịch tới cố đô xứ Phù Tang. Tài liệu này có tên là Akimahen (theo phương ngữ Kansai có nghĩa là những hành vi bị nghiêm cấm). Cẩm nang này bao gồm 19 điều du khách không nên làm khi ở Kyoto. Trong đó có luật không tự ý ghi hình tại đền, chùa, cư xử lịch sự với các maiko, sử dụng từ “okini” khi muốn trả tiền tip cho nhân viên phục vụ… Ảnh: CNN.
Theo: news.zing
Hội chứng Hikikomori – bi kịch của xã hội Nhật Bản hiện đại
Số lượng ngày càng tăng những người sống xa lánh xã hội, hay Hikikomori trong tiếng Nhật – là một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất mà đất nước Mặt trời mọc đang phải đối mặt.