Ông chủ thời trang Uniqlo: Đứa trẻ nghèo kiến tạo đế chế

Uniqlo trở nên phổ biến bởi hãng tập trung vào dòng sản phẩm phổ thông, thiết yếu, thiết kế đại chúng, nó dễ được ưa chuộng như bọn trẻ con thích ăn kẹo.

17:32 03/09/2017

Theo Forbes, tỷ phú sáng lập Uniqlo và nay là tập đoàn Fast Retailing, ông Tadashi Yanai hiện đang là người giàu nhất nước Nhật. Từng được tạp chí Time danh tiếng vinh danh vào danh sách một trăm người có tầm ảnh hưởng lớn nhất hành tinh, mới đây, ông đã gây choáng khi tuyên bố sẽ cố gắng đưa tập đoàn Fast Retailing của mình trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020 với doanh thu mỗi năm khoảng 5 nghìn tỷ yên, tức khoảng 25 tỷ USD.

Uniqlo là tâm điểm thành công của Fast Retailing. Uniqlo hiện có 836 cửa hàng tại Nhật. 416 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, 39 cửa hàng tại Mỹ và 27 cửa hàng tại châu Âu. Cứ mỗi tuần trôi qua lại có thêm một cửa hàng mới của Uniqlo được khai trương ở nơi nào đó trên thế giới.

Người tiêu dùng tìm đến Uniqlo để có được sản phẩm mà họ mặc hàng ngày, dưới rất nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Chính vì vậy từ những ngôi sao cho đến người tiêu dùng bình thường, Uniqlo luôn có vị trí nhất định trong ưu tiên mua sắm của họ.

Năm 2011, ngay khi người mẫu Pháp Inès de La Fressange tiết lộ với giới truyền thông rằng cô thích sản phẩm của Uniqlo, lập tức ông chủ tỷ phú của Uniqlo đã cho chạy một dòng sản phẩm mang tên cô. Thành công đến, dòng sản phẩm đã được bán đến năm thứ 4 liên tiếp.

Cùng với một dòng sản phẩm nhưng Uniqlo tiến xa hơn một bước nữa, đó chính là nâng tầm chất lượng sản phẩm tiên phong vượt trội. Có thể kể đến dòng áo giữ nhiệt “heattech” của Uniqlo. Trước Uniqlo, nhiều hãng đã sản xuất đồ giữ ấm mặc trong, nhưng chỉ Uniqlo đi đầu với sản phẩm vải chuyên giữ nhiệt với độ bền hiếm thấy.

Đối với thời tiết nóng và ẩm của nhiều nước châu Á, Uniqlo tung ra dòng sản phẩm làm mát Airism với chất liệu vải giúp giải phóng nhiệt khi người tiêu dùng phải di chuyển nhiều ngoài đường.

Nó thực sự mang lại cho người tiêu dùng cảm giác thoải mái, dễ chịu trong cuộc sống hàng ngày. Nó phục vụ cho nhu cầu thiết yếu nhất của người tiêu dùng nhưng với chất lượng trải nghiệm vượt trội. Nhiều hãng quần áo tại châu Á cố gắng bắt chước hai dòng sản phẩm này của Uniqlo nhưng thành công rất hạn chế.

Và Tadashi Yanai không dừng ở đó, ông đã và đang rất nỗ lực để cung cấp thêm sản phẩm cao cấp dành cho người tiêu dùng giàu có. Tadashi Yanai không ngừng chiêu mộ thêm nhân tài để bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo của Fast Retailing. Năm 2014, Tadashi đã thuyết phục thành công giám đốc sáng tạo của Nike về làm việc cho hãng.

Dù đã có hiện diện mạnh mẽ tại nhiều thị trường tiêu dùng lớn của thế giới nhưng không phải khi nào Fast Retailing cũng thành công. Năm 2001, hãng mở 20 cửa hàng trên khắp nước Anh, thế nhưng người tiêu dùng Anh khi đó cực lạnh nhạt với thương hiệu thời trang Nhật với kiểu dáng không phù hợp với họ. Tất cả các cửa hàng buộc phải đóng cửa.

Sau khi điều chỉnh lại chiến lược thâm nhập thị trường cũng như các mẫu thiết kế, Uniqlo đã lại khai trương cửa hàng tại Anh, hoạt động kinh doanh cho đến nay mang lại kết quả khá tốt

Tỷ phú giàu nhất nước Nhật có xuất thân gia đình rất khiêm tốn. Khởi đầu của đế chế Uniqlo lại chỉ từ một cửa hiệu gia đình nhỏ 2 tầng tại tỉnh Yamaguchi của Nhật. Cửa hàng chủ yếu bán đồ cho những người làm tại một khu mỏ trong vùng.

Ký ức của những ngày tuổi thơ chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí ông, ông kể lại: “Ngày đó, Nhật vẫn là một nước bị chiếm đóng, rất nghèo và lạc hậu. Bố mẹ tôi mở cửa hàng quần áo ở tầng 1 và chúng tôi sống trên tầng 2 của ngôi nhà. Cà phê và socola khi đó là món hàng xa xỉ và khiến nhiều người Nhật thèm muốn.”

Cuộc sống và công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi, một ngày nọ, khu mỏ đóng cửa, sinh kế của cả thị trấn mất đi, cuộc sống gia đình Yanai vì thế cũng lao đao theo.

Chàng thanh niên Tadashi Yanai nhận ra rằng không có ngành nghề nào kinh doanh thuận lợi mãi mãi, rồi sẽ có những ngành phải đóng cửa. Chứng kiến những đứa trẻ trong thành phố cứ lần lượt ra đi cùng với bố mẹ, Yanai cũng muốn ra đi để tìm hiểu về thế giới bên ngoài thị trấn.

Yanai khăn gói lên Tokyo, theo học chuyên ngành kinh tế và chính trị tại đại học Waseda danh tiếng của Nhật. Ở thủ đô, Yanai tiếp nhận và cảm thụ nhiều hơn về văn hóa Mỹ, anh nghe nhạc jazz, chơi pachinko.

Thập niên 1960 chứng kiến sự bùng nổ của hàng chục cuộc biểu tình tại Nhật, người Nhật chống chiến tranh Việt Nam và sự thuần phục của chính phủ Nhật với Mỹ. Trong lúc việc học tại trường đại học bị tạm đình chỉ đến 18 tháng, Yanai quyết định du lịch nước ngoài.

Chàng thanh niên Yanai đón nhận cú sốc đầu đời bởi dù muốn hiểu nhưng anh không thể hiểu người ta đang nói thứ ngôn ngữ gì. Quay về Nhật, Yanai đặt quyết tâm cao để học tiếng Anh. Bây giờ, tỷ phú Tadashi Yanai đã nói được tiếng Anh rất tốt, nhưng khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ông vẫn chỉ dùng tiếng Nhật.

Đối với tỷ phú Tadashi Yanai, ngay sau khi mở khoảng hai cửa hàng đầu tiên tại thành phố Hiroshima và sau này là cửa hàng tại ngoại thành Tokyo, ông nhận ra ông đã tìm thấy “mỏ vàng” của đời mình, đó chính là việc phục vụ cho tầng lớp người tiêu dùng trung lưu.

Tháng Chín năm 2014, Fast Retailing chính thức công bố thay đổi mục tiêu kinh doanh, đó là hướng tới ưu tiên tập trung vào chất lượng hàng hóa chứ không còn cạnh tranh với các đối thủ về giá cả. Tỷ phú Yanai tuyên bố: “Dù giá hàng bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn muốn rằng khách hàng phải nhớ đến Fast Retailing với chất lượng hàng hóa vượt trội.”

Việc hợp tác với nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang thế giới đến từ phương Tây như Orla Kiely, Cath Kidston hay Laura Ashley, hay ngoài ra có thể kể đến biên tập viên thời trang của Vogue hay cựu giám đốc sáng tạo của Hermes có thể coi như một trong những yếu tố mấu chốt làm nên thành công của Uniqlo.

Đã thành công tại châu Á, Uniqlo đang đặt mục tiêu sẽ phải chiến thắng vang dội trên thị trường châu Âu, đặc biệt là Anh. Ấn tượng sâu sắc bởi lịch sử và văn hóa Anh, Tadahi Yanai và cộng sự thân cận của ông đang cố gắng để đến một lúc nào đó sẽ mở được trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm ngay tại London để thích ứng kịp thời nhất với biến đổi về phong cách và sở thích của người tiêu dùng Anh.

Đối với Yanai, nước Anh nằm ở tâm điểm của sự sáng tạo trong ngành thời trang thế giới và hiện tại với Fast Retailing, sáng tạo mang lại bí quyết duy trì sự thành công.

TRUNG MẾN/Diễn đàn đầu tư

Tags:
Người dân Nhật Bản chỉ có 10 phút chuẩn bị trước khi Triều Tiên tấn công tên lửa

Người dân Nhật Bản chỉ có 10 phút chuẩn bị trước khi Triều Tiên tấn công tên lửa

Theo báo chí Nhật Bản, trong trường hợp Bình Nhưỡng tấn công tên lửa, người Nhật có rất ít thời gian để sơ tán bởi tên lửa chỉ bị phát hiện vài phút sau khi rời bệ phóng trong khi về lý thuyết tên lửa Triều Tiên chỉ cần 10 phút đã có thể bay tới Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất