Sự gần gũi với dân của Thái tử Nhật sắp lên ngôi

Thái tử Naruhito là người kiên nhẫn, cảm thông với mọi người và thường đến thăm các nạn nhân thảm họa thiên tai.

12:30 05/04/2019

Thái tử Naruhito phát biểu trước Liên Hợp Quốc tháng 11/2015 ở New York. Ảnh: AFP.

Thái tử Naruhito phát biểu trước Liên Hợp Quốc tháng 11/2015 ở New York. Ảnh: AFP.

Ngày 30/4, Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị và truyền ngôi cho Thái tử Naruhito, đánh dấu sự kết thúc của triều đại Heisei (Bình Thành) và bắt đầu triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa).

Ông Naruhito sinh ngày 23/2/1960, một năm sau khi cha ông kết hôn với bà Michiko Shoda. Cái tên Naruhito trong tiếng Nhật được tạo thành từ hai chữ Hán theo tư tưởng Khổng tử có nghĩa là "người nhận khí chất từ trời cao".

Theo truyền thống hoàng gia Nhật, con cháu trong hoàng tộc sẽ được vú em chăm sóc riêng trong nhà trẻ Hoàng gia. Tuy nhiên, bà Michiko phá vỡ truyền thống, quyết định tự nuôi dạy con nên ông Naruhito cùng các em mình sống chung với gia đình.

Năm 1964, ông bắt đầu theo học ở Gakushuin, hệ thống trường được thành lập từ thế kỷ 19 dành cho thành viên gia đình quý tộc, bao gồm tất cả cấp học từ mầm non cho đến đại học.

Kiyokazu Kanze, bạn học cũ của Thái tử ở Gakushuin kể lại kỷ niệm thời thơ ấu với ông. Trong chuyến đi thực tế của lớp, một cậu bé trong đoàn không đến điểm hẹn đúng giờ, khiến Thái tử và những người khác phải chờ. Sau 15 phút, một số bạn học muốn lên đường đến điểm hẹn tiếp theo nhưng Thái tử kiên nhẫn khuyên các bạn chờ thêm 5 phút.

"Khi cậu bé kia xuất hiện, Thái tử không tỏ ra bực bội, cậu ấy chỉ mỉm cười", Kanze kể. "Với tư cách là bạn thời thơ ấu của Thái tử, tôi tin rằng ông ấy sẽ rất bình tĩnh khi kế vị và vẫn giữ những phẩm chất trong suốt bao năm qua - kiên nhẫn và thông cảm cho mọi người".

Năm 1978, Thái tử học chuyên ngành lịch sử của Đại học Gakushuin. Trước khi tốt nghiệp năm 1982, ông viết luận văn về giao thông đường thủy thời kỳ trung cổ tại khu vực phía tây Nhật Bản. Năm 1983 - 1986, ông học thạc sĩ tại trường Merton, Đại học Oxford. Đây là lần đầu tiên ông ở trong ký túc xá.

Luận văn nghiên cứu của ông  viết về lịch sử giao thông trên sông Thames. Ông được Đại học Oxford trao bằng danh dự tiến sĩ luật năm 1991. Ông cũng là một nhà nghiên cứu tại bảo tàng lịch sử Đại học Gakushuin từ năm 1992 và thường có những bài giảng tại trường nữ sinh Gakushuin.

"Tôi có hứng thú với các con đường ngay từ khi còn nhỏ. Vì tôi ít có cơ hội thoải mái ra ngoài, những con đường là cầu nối quý giá đến thế giới chưa được khám phá", ông nói.

Tháng 1/1989, ông trở thành thái tử ở tuổi 28, sau khi cha ông trở thành Nhật hoàng. Dù từng đặt mục tiêu lập gia đình trước 30 tuổi, đến tháng 6/1993, khi 33 tuổi, ông Naruhito mới kết hôn với bà Masako Owada, người theo ngành ngoại giao lớn lên tại Moskva và New York.

Hai người lần đầu gặp nhau tháng 10/1986 tại một bữa tiệc chào đón công chúa Tây Ban Nha Elena tới thăm Nhật. Thái tử Naruhito từng cầu hôn Masako hai lần nhưng bị từ chối. Cuối cùng, vào lần cầu hôn thứ ba tháng 12/1992, Masako đã nhận lời. "Anh hứa sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình", Thái tử nói.

Hai người kết hôn vào ngày 9/6/1993 và vào tháng 12/2001, Thái tử phi Masako hạ sinh Công chúa Aiko. Hoàng gia hai năm sau thông báo bà bị "rối loạn điều chỉnh" (không có khả năng điều chỉnh với cuộc sống căng thẳng) và "đau đầu, chóng mặt". Bà được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Nhiều người cho rằng căn bệnh của bà là do sự căng thẳng của cuộc sống hoàng gia và áp lực phải có người thừa kế nam do công chúa không thể kế vị ngai vàng.

Thái tử phi Masako sau đó rất ít xuất hiện trước công chúng. Tháng 5 năm đó, bà không cùng Thái tử Naruhito đi dự một loạt đám cưới hoàng gia ở châu Âu. 

Đúng như lời hứa năm xưa, Thái tử Naruhito luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ bà Masako khi bà chịu nhiều sức ép từ dư luận do vắng mặt ở các sự kiện chính thức. Năm 2004, ông chỉ trích Cơ quan Hoàng gia, bên chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của hoàng tộc, cho rằng họ đã "chối bỏ sự nghiệp và tính cách" của bà Masako.

"Trong 10 năm qua, Masako - người từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để cưới tôi, đã làm mọi thứ có thể để thích ứng với môi trường hoàng gia. Việc này khiến cô ấy kiệt sức", ông nói. Cơ quan Hoàng gia sau đó nhận được một loạt email từ người dân Nhật Bản bày tỏ niềm thông cảm với Thái tử phi.

Thái tử đặc biệt quan tâm đến thủy lợi, bảo tồn nước và đã có những bài phát biểu về vấn đề này ở các diễn đàn lớn. Ông là chủ tịch danh dự của Ban cố vấn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về nước và vệ sinh tháng 11/2007 - 12/2015. 

Thời gian rảnh, ông thích leo núi, đi bộ, chơi tennis và trượt tuyết. Ông cũng chơi đàn viola và từng biểu diễn trong một dàn nhạc giao hưởng thời đại học. 

Trong xã hội Nhật, vị trí của Nhật hoàng chỉ mang ý nghĩa biểu tượng chứ không có quyền lực chính trị. Một cuộc thăm dò của NHK cho thấy đa số người dân Nhật có cái nhìn thiện cảm hoặc kính trọng Nhật hoàng. 

Thái tử Naruhito (giữa) và Thái tử phi Masako trò chuyện với người sống sót thảm họa động đất và sóng thần ở Miyagi tháng 6/2011. Ảnh: Japan Times. 

Thái tử Naruhito (giữa) và Thái tử phi Masako trò chuyện với người sống sót thảm họa động đất và sóng thần ở Miyagi tháng 6/2011. Ảnh: Japan Times. 

Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako cũng rất quan tâm đến cuộc sống của người dân. Tháng 6/2011, ba tháng sau khi động đất và sóng thần tàn phá vùng Tohoku, hai người đã đến thăm Miyagi, một trong ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong những tháng tiếp theo, Thái tử và Thái tử phi đến thăm hai tỉnh chịu ảnh hưởng khác là Fukushima và Iwate. Sau đó, gần như năm nào họ cũng thăm lại vùng Tohoku.

Các chuyến đi này cho thấy Thái tử muốn noi gương cha mẹ mình, những người được ca ngợi vì luôn gần gũi với công chúng và thường đến thăm những người sống sót sau thảm họa.

Trong hơn 30 năm qua, Thái tử liên tục bày tỏ tầm nhìn về một vị vua lý tưởng: "một người có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dân và luôn gần gũi với họ trong tâm tưởng".

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Nhật Bản sẽ giới hạn thời gian làm việc thêm giờ của nhân viên bằng điều luật cải cách lao động mới

Nhật Bản sẽ giới hạn thời gian làm việc thêm giờ của nhân viên bằng điều luật cải cách lao động mới

Một dự luật về cải cách lao động đã chính thức có hiệu lực vào thứ Hai, đặt ra một mức giới hạn pháp lý về thời gian làm việc kéo dài, để có thể thay đổi văn hoá làm việc với những giờ làm thêm kéo dài đến nửa đêm vốn đã quá quen thuộc tại Nhật Bản, một trong những nguyên nhân gây ra “karoshi” – những cái chết vì làm việc quá sức.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất