Sự suy tàn của yakuza Nhật Bản
Do tình trạng già hóa dân số và những cuộc đàn áp từ cảnh sát, hơn một nửa thành viên của các tổ chức tội phạm ở Nhật (yakuza) hiện trên 50 tuổi, 10% trên 70 tuổi.
11:00 07/09/2020
Xu hướng già hóa dân số cùng những cuộc đàn áp từ cơ quan thực thi pháp luật đã buộc các băng đảng tội phạm ở Nhật Bản vật lộn nhằm thu hút thành viên mới, bổ sung cho hàng ngũ ngày càng suy giảm của mình, theo Guardian.
Một báo cáo mới của cơ quan cảnh sát quốc gia cho thấy kể từ năm 2006, 51,2% yakuza từ 50 tuổi trở lên, với sự gia tăng đáng kể số người mắc bệnh.
Năm 2006, 30,6% thành viên của các tổ chức tội phạm khoảng 30 tuổi, song hiện nhóm này chỉ chiếm 14% tổng số. Chưa tới 5% yakuza ở tuổi 20, trong khi nhóm trên 70 tuổi chiếm hơn 10%.
Yamaguchi-gumi - tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản - hiện do Shinobu Tsukasa (78 tuổi) cầm đầu. Ảnh: Asahi Shimbun.
Hơn một thập kỷ cảnh sát truy quét những băng nhóm lớn, cộng với sự bất ổn về kinh tế khiến yakuza khó dụ dỗ các thanh niên bằng lời hứa kiếm tiền dễ dàng. Thay vào đó, họ phải đối mặt với nhiều thập kỷ mạo hiểm thay cho ông chủ và chịu án tù lâu hơn. Tất cả đều không có hy vọng nhận lương hưu.
Tomohiko Suzuki, tác giả kiêm chuyên gia về yakuza, nói với Guardian: “Tình trạng dân số già của Nhật Bản là một yếu tố. Nhưng yakuza cũng không còn là đề xuất hấp dẫn đối với những người đàn ông trẻ tuổi. Họ phải hy sinh rất nhiều để có được cuộc sống của một tay xã hội đen, trong khi lợi nhuận giảm dần”.
Luật pháp nghiêm khắc hơn khiến cuộc sống phạm tội ngày càng trở nên kém hấp dẫn: yakuza bị cấm mở tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, rút các hợp đồng bảo hiểm, thậm chí là ký giấy tờ mua điện thoại di động.
“Thời thế đã thay đổi”
Một cựu yakuza ở độ tuổi 70 cho biết ông đã chứng kiến một số lượng lớn thanh niên trở nên bất mãn và rời đi chỉ trong vòng một năm được tuyển dụng.
“Thế hệ của tôi mơ ước trở thành những thành viên băng đảng cấp cao, được phụ nữ vây quanh, có tiền và lái xe sang. Nhưng thời thế đã thay đổi. Giới trẻ ngày nay không thích bị ràng buộc vào một băng nhóm”, người này nói với Asahi Shimbun.
Sự già hóa của cộng đồng tội phạm ở Nhật Bản xảy ra đồng thời với số lượng thành viên giảm liên tục. Vào thời kỳ đỉnh cao của những năm 1960, yakuza có hơn 180.000 thành viên. Đó là thời điểm xã hội tồn tại quan điểm viển vông về những kẻ sống ngoài vòng pháp luật.
Số lượng yakuza giảm đều kể từ năm 2006 - thời điểm còn khoảng 87.000 thành viên băng đảng xã hội đen, tính cả nhóm không chính thức. Hiện nay, con số này lần lượt là 14.400 và 13.800.
Yamaguchi-gumi - do Shinobu Tsukasa (78 tuổi) đứng đầu - hiện là tổ chức tội phạm lớn nhất xứ sở hoa anh đào với 8.900 thành viên.
Một nhóm người với hình xăm truyền thống Nhật Bản, liên quan đến yakuza, đi bộ qua quận Asakusa trong lễ hội Sanja Matsuri hàng năm ở Tokyo. Ảnh: AFP.
Những cuộc đối đầu giữa các băng nhóm từng được dàn xếp bởi đàn ông trẻ tuổi, muốn gây ấn tượng với ông chủ, nay lại được người ở độ tuổi trung niên tiến hành. Tháng 10 năm ngoái, khi hai tên côn đồ có liên hệ với một đối thủ của băng đảng Yamaguchi-gumi bị bắn chết trên đường phố, cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm 68 tuổi.
Trong quá khứ, các tay xã hội đen trẻ tuổi phạm tội theo lệnh của ông chủ và ra tù khi khoảng 40 tuổi với danh tiếng được nâng cao, tương lai tài chính đảm bảo.
Tuy nhiên, các bản án dài hơn, bao gồm cả chung thân vì giết người, có nghĩa là phần thưởng cho lòng dũng cảm và trung thành không còn được đảm bảo.
“Vào tù thực sự là dấu chấm hết cho yakuza”, chuyên gia Tomohiko Suzuki nói.
Ông cho biết thêm nhiều người đàn ông lớn tuổi với gan bị tàn phá bởi các hình xăm toàn thân và lạm dụng rượu, ma túy trong hàng chục năm, có thể “mong được chết trong tù”.
Số lượng yakuza suy giảm kể từ giữa những năm 2000. Khi ấy, người dân gây sức ép với chính quyền địa phương để trấn áp các băng nhóm tội phạm sau nhiều năm xảy ra bạo lực, mà trong đó nhiều vụ liên quan đến Kudo-kai - từng là sự hiện diện đáng sợ ở thành phố công nghiệp Kitakyushu.
Vai trò của yakuza suy yếu trong đời sống xã hội, chính trị và kinh tế Nhật Bản. Ảnh: AFP.
Theo Suzuki, hơn hai thập kỷ bất ổn về kinh tế cùng với việc luật pháp ngày càng được thắt chặt đã khiến vai trò của yakuza suy yếu trong đời sống xã hội, chính trị và kinh tế Nhật Bản.
“Chúng ta đã bước vào thời kỳ mà yakuza đang trở nên không còn phù hợp trong xã hội”, ông nhận định.
Hiện sống một mình trong căn hộ giá rẻ ở Osaka, ông trùm xã hội đen đã nghỉ hưu nói với Asahi Shimbun rằng bản thân có cảm xúc lẫn lộn về nghề sống bên lề luật pháp.
“Bằng cách nào đó, tôi đã tồn tại cho đến bây giờ. Nhưng nếu được trở lại, tôi sẽ không tham gia vào băng đảng tội phạm nào. Tôi đã vào tù 3 lần và giờ không có gia đình, không tiền tiết kiệm và không việc làm”, ông nói.
Theo: zingnews.vn
Bão Haishen đổ bộ Nhật Bản có thể gây giao giật lên tới 288km/h, sóng biển cao 13m
Cục Khí tượng Nhật Bản cảnh báo cơn bão mạnh Haishen đang tiến gần và có khả năng sẽ đổ bộ với cường độ rất mạnh vào khu vực Kyushu ở phía Tây Nam Nhật Bản từ Chủ Nhật tới thứ Hai tuần sau.