Thăm vùng cố đô Nhật Bản- ngưỡng mộ kiến trúc văn hóa tâm linh
Đất nước mặt trời mọc đang vào mùa mưa nhưng thành phố Kashihara, tỉnh Nara - trung tâm di sản văn hóa ở xứ Phù Tang lại đón chúng tôi trong không khí mát mẻ, yên bình của mùa thu.
15:00 11/07/2019
Nơi đây từng là Thủ đô của Nhật Bản, là vùng đất mà vị Hoàng đế đầu tiên sinh sống và có ngôi đền cổ hiện thờ ông và hoàng hậu. Kashihara có tổng diện tích là hơn 39,50km2 với gần 123.000 người. Cố đô yên bình đang ngày càng là điểm đến hấp dẫn cho các du khách muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Nhật Bản.
Đón chúng tôi tại sân bay, cô Taiaky - một đồng nghiệp ở Báo Tin tức kỹ thuật Nhật Bản đã giới thiệu qua vài nét thành phố đặc biệt này. Ngay trên con đường tới các khu di tích, thắng cảnh của Kashihara, chúng tôi được chiêm ngưỡng từng khu bãi đỗ xe rất gọn gàng ngăn nắp. Tại các đường ngang giao với đường bộ, chỉ một thanh chắn nhỏ xinh như tô thêm vẻ đẹp của các ngôi nhà cũng rất gọn gàng, cùng chiều cao bám lấy các dãy phố.
Ở bãi đậu xe rộng lớn, làn gió mát giúp chúng tôi có thể dành thời gian thư giãn, trước khi vào điểm tham quan. Ngôi đền nổi tiếng Kashihara Jingu tại Kashihara, tỉnh Nara là một ngôi đền nơi hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản, Jinmu Tenno đã từng chọn đặt kinh đô và ngày nay vẫn được lưu giữ những nghi lễ truyền thống. Bảy thanh kiếm xuất hiện trong đền dường như là một bộ sưu tập ở đây. Bùa hộ mệnh cũng được trang trí với một thiết kế gồm bảy thanh kiếm.
Theo lời giới thiệu của người gác đền thì cổng vào là một tài sản văn hóa quan trọng và phòng thờ được xếp hạng là một kho báu quốc gia. Nghệ thuật kiến trúc của đền cũng rất độc đáo với màu sắc nhã nhặn và giản dị, mộc mạc đan xen với những họa tiết được chạm khắc tỉ mỉ trên những cánh cửa hay hàng cột dọc lối vào, qua đó đã thể hiện được nét đẹp của con người Nhật Bản - một vẻ đẹp nhã nhặn, lịch sự và kín đáo.
Trong khuôn viên, ngôi đền với diện tích rộng khoảng 500,000m2, được xây trên một khoảng đất trống của cung Kashihara vào năm Meiji 23 (năm 1890), có ba con đường dẫn vào đền là Omote-sando, Kita-sando, Nishi-sando nhưng khuyến khích du khách đi từ Omote-sando vì có thể đi ngang qua hai cổng Torii lớn là cổng Ichi no Torii (cổng đầu tiên) và Ni no Torii (cổng thứ 2).
Điện chính là điện được di dời từ hoàng cung Kyoto và được công nhận là di sản văn hóa quan trọng. Điện bái lễ bên ngoài được xây dựng theo lối kiến trúc Irimoya-zukuri - một trong những kiểu mái nhà truyền thống của Nhật với 2 tầng, tầng trên dốc ở 2 hướng trước sau, tầng dưới dốc ở 4 hướng.
Điện bái lễ này được dựng bên cạnh ngọn núi Unebi tạo nên một quan cảnh tuyệt đẹp. Ở phía Tây điện chính, có một hồ rộng với diện tích gần 49,500m2. Xung quanh hồ được trồng nhiều cây hoa anh đào, vào mùa xuân khi hoa anh đào nở rộ, du khách có thể thưởng thức cảnh sắc tuyệt đẹp mang đậm nét đặc trưng của Nhật Bản.
Đoàn Báo Xây dựng lần đầu tiên đến đây đã được đón tiếp bằng những nghi lễ đặc biệt: Từ việc dùng nước suối nguồn gột rửa, đến nghi lễ trừ tà và nghi lễ dâng cây lộc lên vị vua trị vì đền… Tất cả đều đem đến cảm nhận về sự tôn kính trước vị vua xây dựng nên nền tảng đầu tiên cho đất nước Nhật Bản.
Cùng với phát triển kinh tế, hiện hình thức du lịch tâm linh đã trở nên khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Ở Nhật, hàng năm đã có đến hàng triệu lượt người chọn hình thức du lịch này để thư giãn và sâu xa hơn là muốn tìm về với cội nguồn tâm linh để thấy được những tinh hoa của đạo Phật.
Qua cảnh quan của những ngôi chùa Nhật Bản, trong tiết trời mùa hè dịu mát lại được ngắm nhìn vẽ lung linh huyền diệu được ánh lên từ mái chùa gỗ để thấy được một lối kiến trúc độc đáo được dựng nên từ những khối gỗ quý với những đường nét tinh xảo.
Thời gian lưu lại vùng đất đặc biệt này không nhiều nhưng chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ trước một môi trường trong lành và sạch đẹp đến kỳ diệu. Điều kỳ diệu ấy bắt nguồn từ chính ý thức của người dân Nhật Bản. Họ có ý thức rất tốt trong việc bảo vệ môi trường sống và chấp hành luật an toàn giao thông.
Cách ứng xử trong đời sống hàng ngày, trong công việc của người dân Nhật Bản đều khiến những người được tiếp xúc cảm thấy dễ chịu. Tất cả những sự khác biệt ấy đã làm tăng thêm giá trị của phong cách Nhật, là một niềm tự hào cho đất nước Nhật Bản.
Theo: baoxaydung.com
Thực tập sinh Việt Nam ngày càng có giá
Báo Yomiuri của Nhật Bản số ra ngày 8-7 cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đang cạnh tranh gay gắt để thu hút các cựu thực tập sinh kỹ năng Việt Nam trở lại Nhật Bản theo chế độ kỹ năng đặc định mới.