Thế giới không có lựa chọn sống của các phi công kamikaze
Lâu nay không ít người nghĩ rằng phi công thần phong (kamikaze) giống như những gã điên, sẵn sàng lái máy bay lao vào hủy diệt kẻ thù, không thèm quan tâm tới mạng sống của họ. Tuy nhiên thực tế khác hẳn so với những gì người ta vẫn tưởng.
15:00 09/08/2020
Các phi công ngồi chật trong một căn phòng và được đưa cho một tờ giấy, với nội dung hỏi xem họ có muốn tham gia lực lượng kamikaze hay không.
Không có sự lựa chọn
Tờ giấy đó cho phép phi công thực hiện ba lựa chọn, gồm “tôi thực lòng mong muốn tham gia”, “tôi muốn tham gia” và “tôi không muốn.”
Đó là năm 1945. Nhiều phi công là các sinh viên từng được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng nay đã phải nhập ngũ khi Nhật Bản đang dần cạn binh lính. Hisashi Tezuka nhớ rằng vài đồng đội nhanh chóng viết câu trả lời rồi bỏ đi. Nhưng ông và những người khác vẫn ở lại trong vài giờ, không thể đưa ra quyết định.
Ông chẳng rõ có ai dám từ chối không. Mãi về sau này, ông mới biết những người từ chối gia nhập lực lượng kamikaze bị nhắc nhở cần phải “lựa chọn đúng đắn hơn.”
Hisashi Tezuka và bức ảnh chụp ông khi còn là một phi công thần phong
Tezuka muốn trung thực với cảm xúc của chính mình nên đã gạch lựa chọn thứ hai và còn viết rõ câu trả lời: “Tôi sẽ gia nhập.”
“Tôi không muốn nói mình mong muốn gia nhập lực lượng đó. Tôi chẳng hề mong như vậy” – ông nói với phóng viên hãng tin AP tại căn hộ của mình ở ngoại ô Tokyo. Nguyên nhân bởi những con người gia nhập lực lượng thần phong được lệnh lái máy bay của họ tới chỗ chết.
Dữ liệu của phía Mỹ và phía Nhật vẫn cho rằng đã có khoảng 2.500 phi công thần phong bỏ mạng trong Thế chiến II. Một số cuốn sách lịch sử còn đưa ra con số cao hơn. Khoảng 1/5 phi công kamikaze đã cố gắng bắn hoặc đâm trúng kẻ thù.
Nhiều cuốn sách và bộ phim đã mô tả họ như những kẻ đánh bom tự sát điên loạn, thường hô lớn “Banzai” khi chuẩn bị lao máy bay tới chỗ chết. Nhưng các cuộc phỏng vấn của AP với những người còn sống, cộng với việc tiếp cận nhiều lá thư và tài liệu do phi công thần phong để lại, đã cho thấy một hình ảnh khác – về những con người giàu lòng yêu nước, chấp nhận hy sinh thân mình và thực tế là bị buộc gia nhập lực lượng cảm tử. Thế giới của họ giống như tờ giấy in nhiều lựa chọn kể trên: họ không được lựa chọn thực sự.
Tất cả đều phải chết
Theo quy định, những đứa con trai đầu lòng trong một gia đình Nhật Bản không được lựa chọn làm phi công kamikaze, để bảo vệ dòng dõi. Tezuka, người đang là sinh viên tại Đại học Tokyo danh giá, có tới 5 anh em trai và 1 chị gái. Vì thế chính quyền chẳng gặp khó khăn gì khi chọn ông.
Sau khi đồng ý thành phi công kamikaze, ông được về thăm cha mẹ 5 ngày. Ông chẳng dám nói với họ về câu chuyện của mình, bởi ai cũng biết các phi công thần phong thường không còn sống để trở về.
Ông sống sót chỉ nhờ Nhật hoàng Hirohito thông báo quyết định đầu hàng trên sóng phát thanh, ngay khi vừa lên một đoàn tàu tới sân bay để thực hiện cuộc tấn công kamikaze. “Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để chết. Tâm trí tôi đã hoàn toàn trống rỗng” – ông nói.
Thời điểm ấy, Tezuka mới 23 tuổi. Nay ông đã 93 tuổi, tức sống thọ gấp 4 lần nhiều phi công kamikaze.
Hình ảnh về một vụ tấn công của phi công thần phong
Masao Kanai chết trong một nhiệm vụ kamikaze gần Okinawa vào năm 1945, khi mới 23 tuổi. Dưới một chương trình khuyến khích học sinh ủng hộ quân đội Thiên hoàng, Kanai đã thường xuyên viết thư cho một nữ sinh 17 tuổi có tên Toshi Negishi. Cùng nhau, họ đã trao đổi qua lại hơn 200 bức thư.
Gần đây, bà Negishi đã mang kỷ vật của ông Kanai tới một khu lưu niệm tưởng nhớ các phi công kamikaze ở Căn cứ không quân hải quân Tsukuba, nằm ở Kasama, Bắc Tokyo. Đây từng là nơi huấn luyện các phi công thần phong.
Dù các kỷ vật như thế của phi công kamikaze vẫn tồn tại, cho tới gần đây chẳng mấy ai quan tâm tới chúng. Nhằm khiến dư luận không lãng quên các phi công thần phong, các tình nguyện viên đã mở một cuộc trưng bày nhiều bức ảnh, lá thư, mũ bay, mảnh máy bay Zero và nhiều kỷ vật khác từ chiến tranh.
Trong đó có lá thư cuối cùng Kanai viết cho gia đình. “Con không biết phải bắt đầu từ đâu. Mưa đang rơi nhẹ. Một bài hát vang lên khe khẽ trên đài phát thanh. Một buổi chiều thật yên bình. Chúng con đang chờ thời tiết đẹp để thực hiện nhiệm vụ. Nếu không phải vì cơn mưa này thì con đã bay từ lâu rồi” – lá thư viết.
Một trong những tấm hình ám ảnh người xem nhất chụp một cô gái mặc kimono cô dâu, đang ôm chặt bức ảnh của một phi công kamikaze đã chết.
Lá thư cuối cùng mà người phi công có tên Nobuaki Fujita, 22 tuổi, viết cho cô dâu ấy cũng được mang ra trưng bày. “Trong kiếp sau và kiếp sau nữa… hãy cưới anh” – Fujita viết – “Mutsue, vĩnh biệt em. Mutsue dịu dàng, yêu dấu của anh.”
Thay đổi cách nhìn về phi công kamikaze
AP cho biết phi công kamikaze luôn nhận thức rõ việc họ sẽ chết khi ra trận. Trong lúc huấn luyện, phi công thường phải tập bổ nhào. Họ phải tập đâm trúng mục tiêu. Họ chỉ được đảo hướng ngay trước khi lao xuống đất và phải lập tức bay trở lại bầu trời.
Khi tham chiến, phi công được lệnh gửi một tin nhắn cuối cùng viết bằng mã Morse và phải khiến máy phát tin liên tục hoạt động. Tại phòng nhận tin, người ta biết rằng phi công đã chết, khi tín hiệu không còn gửi về nữa.
Yoshiomi Yanai, 93 tuổi, sống sót chỉ bởi ông không thể tìm thấy mục tiêu – một lỗi hiếm gặp trong các cuộc tấn công của phi công thần phong. Tới giờ ông vẫn luôn tiếc thương những đồng đội đã chết.
Yanai vẫn giữ kỷ vật cuối cùng ông định gửi cho cha mẹ. Đó là một album ảnh, đầy các bức hình chụp ông đang mỉm cười cùng đồng đội và các khoảnh khắc hạnh phúc khác.
“Cha ơi, mẹ ơi, con cất cánh đây. Con sẽ chết với một nụ cười trên môi” – Yanai viết trong lá thư dài nằm ở các trang đầu của album – “Con không phải kẻ có hiếu, xin cha mẹ thứ lỗi cho con. Con xin ra đi trước và sẽ chờ đợi để được gặp cha mẹ ở kiếp sau.”
Dù máy bay Zero từng được dùng trong trong nhiệm vụ kamikaze, nó không được tạo ra để phục vụ công việc này. Phương tiện chuyên dùng để tấn công tự sát là Ohka. Đây là một chiếc tàu lượn, chứa đầy bom, sử dụng các động cơ rocket nhỏ, được chế ra để nổ tung. Chúng thường được máy bay kéo bằng dây tới gần mục tiêu để tác chiến.
Ohka có nghĩa hoa anh đào và cho tới ngày nay, hình ảnh phi công thần phong vẫn gắn với loại hoa này. Người Mỹ gọi Ohka là “bom Baka.” Trong tiếng Nhật, baka có nghĩa ngu ngốc. Nguyên nhân do tầm hoạt động của Ohka rất hạn chế và chúng dễ bị bắn hạ.
Công việc giám sát và huấn luyện các phi công Ohka, trước khi điều họ tới chỗ chết, đè lên vai Fujio Hayashi, khi ấy mới 22 tuổi. Hayashi tin rằng các chuyến bay Ohka hẳn sẽ không diễn ra nếu không có ai tình nguyện lái chúng. Vì thế ông là một trong những người đầu tiên tình nguyện lái Ohka. Hàng chục người khác theo chân ông.
Nhưng khi tận mắt nhìn thấy Ohka, ông đã đổi ý bởi biết rằng nó sẽ không thể sống sót trước lưới lửa phòng không của đối phương. Trong nhiều thập kỷ về sau này, Hayashi vẫn sống trong day dứt, vì đã khiến hàng chục thanh niên đi vào chỗ chết.
“Tôi nghĩ rằng mình đã giết rất nhiều người chỉ bằng một cây bút chì” – ông nói, nhắc tới việc mình đã dùng bút chì để viết tên những người sẽ thực hiện nhiệm vụ Ohka mỗi ngày – “Tôi xin lỗi vì đã giết họ một cách vô ích.”
Maxwell Taylor Kennedy, người từng viết sách về phi công kamikaze, nói rằng khi bắt đầu nghiên cứu, ông tưởng sẽ gặp nhiều trường hợp loạn trí. Hóa ra, các phi công kamikaze giống nhiều thanh niên cùng thời. Họ đặc biệt ái quốc, nhưng cũng đặc biệt đề cao lý tưởng và ra trận với tinh thần xả thân vì người khác.
Tường Linh (Theo AP)
Nguồn Thể thao & Văn hóa
Quận Setagaya ở Tokyo tăng cường xét nghiệm PCR bằng phương pháp gộp nhóm xét nghiệm
Trước sự lây lan nhanh của dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, một số chính quyền đã tăng cường triển khai xét nghiệm PCR bằng những phương pháp riêng.