Tôi khát khao được sống và làm việc ở Nhật Bản
Tôi vẫn nuôi dưỡng trong mình mục tiêu một ngày gần nhất được sống và làm việc ở đất nước mặt trời mọc.
20:30 09/01/2019
"Không bao giờ là quá muộn cho những ước mơ", có lẽ vì yêu thích câu nói này mà cô gái 31 tuổi như tôi vẫn nuôi dưỡng trong mình mục tiêu một ngày gần nhất được sống và làm việc ở đất nước mặt trời mọc. Nguồn cảm hứng để tôi ấp ủ giấc mơ này là từ sếp. Ngày đầu tiên tôi gặp sếp vào tháng 3 năm 2017, khi sếp được cử sang Việt Nam làm quản lý chi nhánh ở công ty tôi đang làm việc, thời gian sếp sang là 3 năm. Với vốn tiếng Nhật sơ cấp, tôi rất tự tin chào và giới thiệu bản thân với sếp bằng tiếng Nhật, bởi sâu thẳm trong tâm hồn mình, tôi có một tình yêu mãnh liệt dành cho xứ sở Phù Tang, đất nước của chú mèo máy Doraemon, của cô bé Totto Chan mà tôi vô cùng yêu thích.
Quá trình được làm việc với sếp, tôi càng yêu quý và ngưỡng mộ vì sếp giỏi trong xử lý công việc hay bất kỳ thắc mắc gì của chúng tôi. Những lúc gặp chuyện với văn bản, excel, sếp như một người thầy lớn, nhiệt tình chỉ bảo tôi với một thái độ rất ân cần. Người Nhật vốn kín đáo và ít bộc lộ cảm xúc, nhưng tôi lúc nào cũng muốn học hỏi, đặc biệt là tiếng Nhật để được hiểu hơn về văn hóa và con người họ. Sếp có lẽ là người đặc biệt nhất tôi từng biết khi mỗi lần giao việc đều hỏi: "Bạn có rảnh không" hoặc "Tôi phiền bạn chút được chứ", điều mà tôi chưa từng thấy ở những người quản lý trước.
Sếp còn cho tôi học khi xong công việc, không những thế sếp giải thích những từ vựng tôi không hiểu, đặc biệt là ý nghĩa của chữ Hán khi tôi làm đề thi năng lực tiếng Nhật. Tôi luôn nghĩ chỉ có học tiếng Nhật thật tốt thì cơ hội việc làm và được đến Nhật mới dễ dàng hơn. Tôi luôn khao khát được đặt chân đến Nhật dù chỉ một lần trong đời, giấc mơ đó đã thành hiện thực khi tôi được cùng sếp và các anh trong công ty có chuyến công tác một tuần đến Osaka.
Qua chuyến đi đó, tôi càng có cảm tình với sếp hơn vì sếp là người vô cùng tâm lý và tinh tế. Có mình tôi là con gái nên ăn gì, đi chơi ở đâu cũng được sếp đáp ứng. Một lần sếp gọi cho tôi bát mỳ udon, không thích ăn hành nên tôi đã nhặt hết ra, từ đó gọi món gì sếp cũng gọi riêng một suất không hành cho tôi. Sếp đưa chúng tôi đến những địa điểm du lịch nổi tiếng, ăn những món ăn truyền thống, đi chùa cầu may, giới thiệu cho chúng tôi về lịch sử lâu đời của vùng đất đó. Dù chỉ được ở Nhật một tuần mà đêm cuối cùng trước khi về nước, tôi có cảm giác như sắp phải xa rời nơi thân thuộc của mình. Tôi gọi đó là mảnh đất nơi trái tim tôi thuộc về.
Hàng ngày, tôi vẫn kiên trì tự học tiếng Nhật, sưu tầm sách về đất nước này, xem bất cứ video nào liên quan đến mảnh đất kiên cường này để một ngày không xa, tôi sẽ viết nên câu chuyện của mình ở nơi đây. Tôi rất yêu thích câu nói của một chị về con đường chinh phục ước mơ: "Những việc đã làm, cho dù thất bại đi chăng nữa thì 20 năm sau sẽ trở thành những câu chuyện cười. Còn nếu mình không làm, không cố gắng vì nó thì 20 năm sau sẽ chỉ là sự nuối tiếc và hối hận". Tôi tin nếu chúng ta có đam mê, có nhiệt huyết, làm việc bằng cả trái tim thì không gì có thể ngăn cản trên con đường đi đến tương lai.
Nguồn: vnexpress.net
Tại sao giới trẻ Nhật Bản không muốn sống như các thế hệ trước?
Thế hệ trẻ của Nhật Bản, những người sinh ra trong giai đoạn 1980 – 2000, và cũng là những người đầu tiên được tiếp cận và lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội, đã thực hiện một cuộc cách mạng lớn trong cả suy nghĩ và phong cách sống, khiến họ không còn sở hữu những nét tương đồng nào với các thế hệ đi trước.