Từ điểm khác nhau trong bản vẽ ô tô đến chuyện "chọn đối tác như chọn bạn đời" của các doanh nghiệp Nhật
Có một sự khác biệt trong bản vẽ ô tô của các công ty tại Nhật Bản và Mỹ. Người thiết kế Mỹ làm tất cả những gì có thể để hoàn thành bản vẽ trước khi chuyển cho các bộ phận sau. Trong khi đó, bản vẽ của Nhật thường có những điểm chưa hoàn thiện nhưng vẫn được để nguyên.
08:30 16/03/2018
Đối với người Mỹ, từng bộ phận có trách nhiệm riêng biệt. Nhưng người Nhật lại khác. Trước khi đưa vào sản xuất một sản phẩm, các bộ phận thiết kế, phát triển sản phẩm và sản xuất thường liên hệ với nhau liên tục và cùng chỉnh sửa nhiều lần. Điều này giải thích tại sao bản vẽ của nhà thiết kế Nhật luôn chưa hoàn thiện trước khi chuyển qua bộ phận kế tiếp.
Đó là ví dụ mà GS. Ozaki Toshiya (Giảng viên đại học Rikkyo, Nhật Bản) nêu ra tại seminar Đàm phán Kinh doanh quốc tế: Một số khác biệt giữa đối tác Nhật Bản và Âu Mỹ được tổ chức bởi Keieijuku Club mới đây để minh họa cho một văn hóa đặc trưng trong các công ty Nhật: Tính liên kết.
Theo GS. Ozaki Toshiya, không chỉ sự liên kết giữa các bộ phận trong công ty, người Nhật còn rất coi trọng sự liên kết với đối tác bên ngoài. Các đối tác tham gia vào từng giai đoạn trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp. Trong thế kỷ 20, trong các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều ngành từ ô tô, điện tử… có 60% linh kiện của doanh nghiệp được sản xuất từ các đối tác theo hệ thống, chỉ 20% là công ty tự sản xuất và 20% là thuê ngoài.
Doanh nghiệp Nhật Bản chọn đối tác như chọn đối tượng kết hôn
Ngày nay, dù mô hình và quy trình hoạt động của Mỹ và Nhật đã có nhiều thay đổi, các công ty đến từ Nhật Bản vẫn liên kết cao với các đối tác, coi họ là một phần không tách rời. Vì vậy họ cũng yêu cầu cao ở các đối tác: từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ đến sự cam kết.
GS. Ozaki Toshiya dẫn chứng trong lĩnh vực ô tô: "Trong thiết kế ô tô thì có khoảng 30 nghìn linh kiện nhỏ. Hầu hết các bộ phận đều có đặc trưng riêng, tính kỹ thuật cao, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao. Ngoài ra, giữa các linh kiện khác nhau với nhau có sự liên kết mà các doanh nghiệp Nhật Bản luôn luôn để ý."
Theo GS, một nhà cung ứng linh kiện cho doanh nghiệp Nhật sẽ không chỉ bán linh kiện qua Nhật là xong, mà còn cần phải làm việc qua lại rất chặt chẽ, cùng doanh nghiệp cân nhắc nhiều yếu tố, về sự phù hợp trong toàn hệ thống, về thị trường...
GS. Ozaki Toshiya tại sự kiện
Do đó, việc chọn đối tác được doanh nghiệp Nhật xem như… chọn đối tượng kết hôn. Họ rất thận trọng. Đôi khi, "thời gian tìm hiểu" trước khi quyết định hợp tác kéo dài cả năm trời.
Tại hội thảo, ông Lê Quang Hanh, lãnh đạo công ty Cổ phần FECON - doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong hợp tác, liên doanh với đối tác Nhật - kể: "Các doanh nghiệp Nhật Bản rất cẩn thận, họ không bao giờ ngay lập tức hợp tác với mình ngay. Ví dụ như là sau 3 dự án ở Việt Nam – để hai bên hiểu nhau, cùng nhau thực hiện – thì mới tính đến thành lập công ty liên doanh."
Bà Trần Thị Ái Vân – đại diện khác từ công ty chia sẻ: "Có những cuộc đàm phán chúng tôi nghĩ là đơn giản nhưng lại rất dài, thậm chí đến 1 năm mà họ vẫn chưa ra quyết định được. Chẳng có cách nào khác là chúng tôi phải học cách kiên nhẫn."
GS. Ozaki Toshiya cho biết sự tin tưởng chính là yếu tố đầu tiên dẫn đến hợp tác thành công: "Cần sự tin tưởng lẫn nhau. Sau khi tin tưởng thì cùng chia sẻ thông tin. Sau khi chia sẻ thông tin thì cùng bàn luận, trao đổi ý kiến với nhau. Nếu các công ty không có sự tin tưởng lẫn nhau thì sự hợp tác không thể kéo dài được."
Theo Trí Thức Trẻ
Đánh tan nỗi lo khủng hoảng người kế nghiệp làm “tuyệt chủng” doanh nghiệp Nhật chỉ bằng một phương cách
Nhật Bản có thể được biết đến như một xứ thiên đường về nhiều lĩnh vực. Thiên nhiên, cuộc sống và các chế độ dịch vụ. Nhìn một cách khách quan, Nhật gần như hoàn hảo về mọi mặt. Tuy nhiên, chỉ đất nước này mới biết rằng, chính họ đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải, nếu không đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời. Tương lai, nước Nhật thật khó tồn tại. Đó là tình trạng già hoá dân số đang xảy ra, đi kèm với nó là vô số hệ lụy.