Vải thiều Việt Nam sẵn sàng chinh phục thị trường Nhật Bản

Sau thời gian chuẩn bị, đến thời điểm này, quả vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương đã sẵn sàng cho việc lần đầu tiên “đặt chân” vào thị trường Nhật Bản, thị trường khó tính hàng đầu thế giới.

20:44 04/06/2020

Qua 5 năm đàm phán, vào cuối năm 2019, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã đồng ý nhập khẩu vải thiều tươi của Việt Nam vào thị trường nước này, bắt đầu từ vụ vải 2020.

Ngay sau khi nhận được thông tin này, từ cuối tháng 12/2019, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã tích cực chuẩn bị vùng nguyên liệu cho việc sản xuất quả vải xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Trong khi đó, huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng được cấp 8 mã số vùng trồng mới để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Vào vụ vải 2020, việc xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản bất ngờ bị dịch COVID-19 gây khó khăn, do phía Nhật có yêu cầu trực tiếp cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát khâu kiểm dịch. Chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được đưa đi xuất khẩu.

Những tưởng khó khăn này sẽ khiển vải thiều Việt Nam phải chờ đến khi hết dịch mới xuất khẩu được sang Nhật Bản dù phía Việt Nam đã đề xuất phương án được phía Nhật ủy quyền khâu kiểm tra giám sát. Tuy nhiên, “nút thắt” này đã được gỡ bỏ khi Bộ NN&PTNT cho biết ngày 3/6, chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát kiểm dịch các lô vải xuất khẩu sang Nhật Bản.

Báo Bắc Giang thông tin để bảo đảm quy định phòng chống dịch COVID-19, trong đó có quy định cách ly 14 ngày với người đến từ vùng dịch, ngày 28/5, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt (không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn). Đề nghị này xuất phát từ tính thời vụ của quả vải do thời gian thu hoạch chỉ kéo dài tối đa 1 tháng (tháng 6).

Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế và Sở NN&PTNT của hai tỉnh để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo trong thời gian chuyên gia Nhật làm việc tại hai tỉnh này.

Việc quả vải tươi Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản sẽ giúp mở thêm những cánh cửa xuất khẩu mới sang các nước phát triển khác.

Xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc khá thuận lợi

Theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang, hơn 300 thương nhân Trung Quốc vừa được Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cấp visa nhập cảnh vào địa bàn để thu mua vải thiều Bắc Giang.

Trước đó, nhằm giải quyết những khó khăn của việc tiêu thụ vải thiều trong điều kiện vẫn phải đáp ứng yêu cầu phòng dịch COVID-19, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều.

Các thương nhân Trung Quốc sẽ phải tuân thủ công tác phòng chống dịch theo đúng quy định.

* Tại Lào Cai, để tạo thuận lợi cao nhất cho xuất khẩu quả vải, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Công ty CP Logistics Kim Thành (cửa khẩu Kim Thành) dành một bãi đỗ xe riêng cho xuất khẩu quả vải.

Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã có buổi làm việc với chính quyền huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) đề nghị kéo dài thời gian thông quan hàng hóa tại cặp Cửa khẩu Kim Thành – Hà Khẩu thêm 3 giờ đồng hồ (từ 7h đến 22h hằng ngày), đồng thời chuẩn bị phương án cho xuất khẩu nông sản bằng đường sắt để giảm tải cho khu vực Cửa khẩu Kim Thành; cho phép sử dụng các xe tải trọng lớn để vận chuyển quả vải tươi qua cửa khẩu.

Theo Báo Lào Cai, tính đến ngày 29/5, đã có hơn 6.800 tấn vải thiều được xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành, kim ngạch đạt 3,6 triệu USD.

Với sự chuẩn bị chu đáo, cơ quan chức năng ở Lào Cai kỳ vọng hoạt động xuất – nhập khẩu thời gian tới tại địa bàn tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là bảo đảm việc tạo thuận lợi trong tháng cao điểm xuất khẩu vải thiều (tháng 6).

Thanh Xuân (Báo Chính Phủ)

Tags:
Gửi những du học sinh đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời

Gửi những du học sinh đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời

Rồi sẽ đến một ngày bạn nhận ra, hạnh phúc của cuộc đời chỉ đơn giản là đi bộ mà không cần nạng, được ăn uống mà không cần ai chăm bón, được thở bằng mũi miệng của chính mình mà không cần bất cứ dụng cụ nào cài cắm lên người.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất