Vì sao Uber thất bại tại Nhật Bản?

Là một trong những hãng taxi công nghệ lớn nhất thế giới, nhưng Uber lại đang “chật vật” tìm chỗ đứng lại xứ sở hoa anh đào.

11:05 27/11/2017

Hoàng tử taxi Nhật Bản

Để đặt một chuyến taxi Uber với ông Ichiro Kawanabe là điều không thể, vì công ty taxi đã ngăn cản việc đăng ký tài khoản của ông. Tuy nhiên, với ông Kawanabe, đó không phải là một vấn đề to tát. Bởi vì ông là chủ sở hữu của công ty Nihon Kotsu, hãng taxi truyền thống lớn nhất tại Tokyo, Nhật Bản.

Khách du lịch từng tới xứ sở hoa anh đào đều biết rằng việc đi taxi mang lại những trải nghiệm hết sức độc đáo. Taxi ở Nhật Bản rất dễ gọi (trừ phi trời mưa), lại có dịch vụ hoàn hảo, từ cửa tự động cho tới những tài xế taxi mang găng tay trắng như trong phim luôn mong muốn đưa hành khách tới địa điểm nhanh nhất và an toàn nhất có thể.

Hình ảnh quen thuộc với người đi taxi Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg)

Mặc dù có giá dịch vụ thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng các quy định nghiêm ngặt và các dịch vụ “hoàn hảo” từ taxi truyền thống đã khiến thị phần của Uber – hãng taxi công nghệ hàng đầu thế giới luôn ở mức dưới 1%, theo số liệu từ một người am hiểu về việc kinh doanh của Uber cũng như số liệu từ Hiệp hội Taxi Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Softbank – Tập đoàn viễn thông đa quốc gia của Nhật Bản sẽ đầu tư mạnh vào Uber, thúc đẩy ngành kinh doanh taxi tại quần đảo Nhật Bản trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Còn với Kawanabe, trước khi điều đó xảy ra, ông quyết định sẽ nâng tầm thương hiệu taxi trị giá 1.72 tỷ Yên (15 tỷ USD) của mình với ứng dụng gọi taxi trên điện thoại, đi kèm đó là các mức giá cố định cùng dịch vụ mới – đi chung xe, tương tự như Grabshare hay Uberpool.

“Chúng tôi xem Uber như một ví dụ minh họa về những điều mà ta không nên làm”, ông Kawanabe chia sẻ.

Lật lại những bê bối mà Uber đã vướng phải trong thời gian vận hành. Kawanabe cho biết, ông đã từng thử tạo một tài khoản Uber, nhưng hãng này đã đưa ông vào “danh sách đen”. “Uber đang tạo nên quá nhiều kẻ thù. Tôi không thích loại hình kinh doanh kiểu đó” – Ông Kawanabe cho biết.

Chân dung Ichiro Kawanabe – “Hoàng tử Taxi” của Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg)

Ông nội của Kawanabe – người đã sang lập nên Nihon Kotsu vào năm 1928, cũng là người chăm sóc ông từ nhỏ, luôn nói rằng ông sẽ là người kế thừa công việc kinh doanh của gia đình. “Có thể nói rằng ông ấy đã “tẩy não” tôi, vì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ kế thừa việc điều hành công ty taxi từ ông”. – Kawanabe cho biết.

Có được tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của trường Kellog và làm việc với tư cách chuyên gia tư vấn cho McKinsey & Co. – công ty tư vấn quản lý quốc tế hàng đầu thế giới, Kawanabe đã kế thừa công việc kinh doanh của gia đình sớm hơn dự kiến vì sự ra đi của cha ông cách đây 10 năm.

Trẻ tuổi, nhiệt huyết, tràn đầy ý tưởng, lại vừa kết hôn với con gái của cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone, đó là lúc giới truyền thông nhắc đén Kawanabe với biệt danh “Hoàng tử Taxi”.

Hiện khi mà các công việc hàng ngày tại công ty đã được giao cho một chủ tịch chuyên trách, Kawanabe cho biết hiện mỗi ngày ông dành dến 80% thời gian của mình để tập trung xây dựng ứng dụng của hãng trên nền điện thoại thông minh, cũng như tìm hiểu để mở thêm các dịch vụ mới. Với đồng cương vị là chủ tịch Hiệp hội taxi, Kawanabe lại càng có cơ hội để thúc đẩy, phát triển ngành kinh doanh taxi hơn nữa.

Điều khiến ông Kawanabe cảm thấy thoải mái nhất hiện giờ, đó là việc Uber không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với công ty của ông và các doanh nghiệp taxi khác.

Uber có thể là hãng taxi công nghệ hàng đầu, đã hạ bệ nhiều doanh nghiệp, liên đoàn, hiệp hội taxi tại Châu Âu và Mỹ. Nhưng tại đây, trên quần đảo Nhật Bản, Uber đang phải “chơi” theo luật của người Nhật.

Uber – loay hoay tìm chỗ đứng tại Nhật

Tại Nhật Bản, việc kinh doanh các dịch vụ vận chuyển taxi được quản lý nghiêm ngặt. Các quy định cụ thể đến từ chi tiết, bao gồm cả cách đặt giá dịch vụ, thậm chí là nơi đặt logo, bảng hiệu cả ở trong và ngoài xe.

Để trở thành tài xế taxi, người lái cần có giấy phép thương mại bằng cách vượt qua kỳ kiểm tra lý thuyết và thực hành. Nhật Bản nghiêm cấm các hành vi chạy taxi “chui”, không có bằng lái …

Tại Nhật Bản, thị phần của Uber chiếm chưa đến 1% (Ảnh minh họa: The Japan Times)

Mở ứng dụng Uber tại Nhật Bản, người sử dụng thường sẽ chỉ tìm thấy một vài chiếc xe ở quanh khu vực của mình. Nếu đi ra khỏi khu vực trung tâm Tokyo, hoặc gần Yokohama, sẽ không thể tìm thấy bất cứ một chiếc xe Uber nào cả.

Trên thực tế, nếu có người gọi xe Uber, thì chiếc xe tới đón người đó sẽ là một chiếc xe thuộc một hãng taxi với đầy đủ đăng ký, giấy phép, bằng lái…

Về cơ bản, Uber tại các thành phố lớn ở Nhật Bản là dịch vụ vận chuyển được hoạt động bởi một nhóm doanh nghiệp taxi, chứ không phải là những tài xế độc lập hay dịch vụ chia sẻ chuyến đi như mọi người vẫn thường biết.

Người đại diện của Uber tại Nhật đã từ chối bình luận về việc ngăn cấm ông Kawanabe có một tài khoản Uber. Ông Brooks Entwistle, giám đốc kinh doanh của Uber tại Nhật cho biết: “Uber Nhật Bản đang phát triển mạnh nhờ những chuyến xe cao cấp và dịch vụ UberEats (xe đưa đón tới các địa điểm ăn uống). Chúng tôi đang tuyển thêm nhân sự để mở rộng mảng này và sẽ không bỏ qua những cơ hội lớn mà đất nước Nhật Bản mang lại”.

Mẫu xe JPN Taxi của Toyota (Ảnh: Bloomberg)

Một trong những nơi hiếm hoi mà Uber Nhật Bản có dịch vụ chia sẻ chuyến đi, đó là Tangocho, một thị trấn hẻo lánh với dân số 5.900 người tại phía tây Nhật Bản. Tại đó, Uber hoạt động hiệu quả như một dịch vụ xã hội dành cho người cao tuổi, những người cần đi loanh quanh thị trấn khi mà dịch vụ xe buýt ở đó đã ngưng hoạt động, còn hãng taxi duy nhất tại thị trấn thì đã phá sản. Nhiều người ở Tangocho không có di động nên họ thường phải tìm ai đó có điện thoại và biết sử dụng ứng dụng Uber để gọi xe đi cùng.

Nhờ nhũng quy định nghiêm ngặt mà các hãng taxi truyền thống tại Nhật không có nhiều đối thủ cạnh tranh từ bên ngoài. Điều đó đã giúp giá cước dịch vụ luôn ở mức cao. Một chuyến đi khoảng 8km tại Tokyo tốn 2.700 Yen, tương đương với 24 USD. Cùng quãng đường đó, một chuyến UberX tại San Francisco, Mỹ chỉ tốn 8 USD.

“Ngành công nghiệp taxi tại Nhật Bản hoàn toàn không có sự cạnh tranh” – Đó là lời của ông Mitsuhiro Kunisawa, một nhà phân tích ngành ô tô vận tải độc lập. “Dù nhiều thứ tại Nhật Bản có giá thấp, nhưng taxi thì không phải vậy. Chính phủ Nhật đặt ra các quy tắc về giá vé, ngành công taxi có vận động hành lang vững chắc, vì vậy rất khó để thay đổi mọi thứ. Đó là lí do cho sự thất bại của Uber tại Nhật Bản”.

Đã đến lúc thay đổi

Masayoshi Son, người sáng lập tập đoàn Softbank, đồng thời cũng là người ưa chuộng dịch vụ taxi công nghệ, từ lâu đã bất bình với những rào cản quy tắc, quy định quá nghiêm ngặt tại Nhật và luôn cố gắng để thay đổi nó. Cách đây 2 thập kỷ, Masayoshi Son đã khiến NTT – Tập đoàn viễn thông quốc gia mở cửa thị trường Internet, từ bỏ thế độc quyền để Softbank có thể xây dựng các dịch vụ của mình.

Hiện Softbank là một trong những nhà cung cấp dịch vụ Internet không dây lớn tại Nhật, đồng thời sở hữu một lượng lớn cổ phần tại Yahoo Japan Corp với hơn 42,2 triệu thuê bao di động và 41.6 triệu người dùng hàng tháng.

Thiếu hụt cạnh tranh và mức giá dịch vụ cao là 2 nguyên nhân khiến càng ngày càng có ít người sử dụng taxi tại Nhật. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, lượng hành khách đi taxi đã giảm 32% kể từ năm 2005 đến năm 2015. Một vài yếu tố khác ảnh hưởng tới con số này là việc dân số Nhật Bản đang sụt giảm, người dân hiện tìm đến các phương tiện công cộng nhiều hơn, nhất là tại các khu dân cư.

“Đế chế taxi” của Ichiro Kawanabe cũng không còn an toàn. Mới đây, hãng Daiichi Koutsu Sangyo, một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Nihon Kotsu, hiện đang đàm phán với Didi Chuxing, “ông lớn” trong ngành vận tải của Trung Quốc, để mở dịch vụ taxi tại Tokyo, Osaka và các thành phố lớn khác ở Nhật. Còn Uber cũng đang cân nhắc tới việc liên kết các công ty taxi Nhật Bản. Nhìn thấy những mối nguy trước mắt, Kawanabe dường như đã thức tỉnh sau một khoảng thời gian lâu dài trì trệ. Ông cho rằng đã đến lúc taxi Nhật Bản phải đi lên một tầm cao mới.

Sau khi nhận 500 triệu Yên trong tháng 6 từ quỹ của công ty quản lý tài sản Sparx Group, lại được Toyota và Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui hỗ trợ, Kawanabe cho biết trong năm tới ông vẫn sẽ tiếp tục tìm các nguồn vốn tài trợ để mở rộng tầm với của taxi Nhật Bản.

Với mong muốn khiến taxi trở nên “thân thiện”, dễ sử dụng hơn, Kawanabe bắt đầu vận hành nhiều chương trình thí điểm, trong đó bao gồm việc áp dụng các mức giá cố định với nhiều khu vực, dịch vụ, không chỉ gói gọn trong những chuyến đi đến và đi từ sân bay như trước. Ông cho biết Nihon Kotsu trong năm 207 cũng sẽ thử nghiệm việc cho phép người dùng taxi “mặc cả”. “Chúng tôi muốn gỡ bỏ sự không chắc chắn ở người dùng” – Kawanabe cho biết.

Một ý tưởng táo bạo khác của Kawanabe, đó là đăng ký dịch vụ taxi theo tháng. Theo ông, sẽ tốt hơn cho những khách hàng thường xuyên nếu họ có thể trả một khoản cố định theo tháng để đổi lấy dịch vụ đi không giới hạn tại một khu vực cụ thể. “Bạn có thể đi bao nhiêu chuyến bạn muốn với chỉ một khoản tiền cố định theo tháng” – Kawanabe chia sẻ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Kunisawa, đây là bước tiến tốt nhưng vẫn chưa đánh vào nhu cầu giảm giá của người dùng. “Họ làm cho taxi dễ tiếp cận hơn, điều đó không sai nhưng cái mà họ cần làm bây giờ là khiến giá taxi phải chăng hơn. Nhưng các doanh nghiệp luôn cần đảm bảo “miếng ăn” của họ. Đó là lí do khiến việc giảm giá taxi rất khó thực hiện” – Kunisawa cho biết.

Về vấn đề này, Kawanabe cho biết ông đang cố gắng hạ giá dịch vụ taxi, đồng thời mang tới dịch vụ chia sẻ chuyến đi như Uberpool và Grabshare. Để điều này xảy ra, cựu chuyên gia tư vấn của McKinsey thừa nhận rằng cần có nhiều người sử dụng ứng dụng taxi của hãng hơn. Theo Kawanabe, vấn đề hiện tại là vẫn còn quá nhiều khách vãng lai, cũng như những người gọi taxi theo kiểu truyền thống.

Một vấn đề khác với taxi Nhật Bản là hầu hết những chiếc xe taxi ở đất nước này đều dựa trên những mẫu xe có từ cách đây 3 thập kỷ, vì vậy chúng rất thiếu an toàn do không có túi khí hay khung chống trượt. Kawanabe cho biết ông sẵn sàng cải tạo lại toàn bộ đội xe bằng việc trở thành khách hàng đầu tiên của mẫu xe JPN Taxi của Toyota. JPN Taxi là mẫu xe có thiết kế tương tự với những chiếc taxi đang hoạt động tại London với cửa trượt rộng, nội thất rộng rãi và sàn phẳng. Dự kiến trong 18 tháng tới, Nihon Kotsu sẽ nhập về 1.000 chiếc xe loại này.

“Hình ảnh nền công nghiệp taxi Nhật Bản sẽ có sự thay đổi lớn trong thười gian tới. Tôi không biết các doanh nghiệp taxi sẽ tiến được bao xa, nhưng ít nhất tại đây, Tokyo, chúng tôi muốn tiến xa nhất có thể” – Kawanabe chia sẻ./.

Nguồn: VOV.vn

Tags:
Thiên đường thực phẩm 'giả' ở Nhật Bản

Thiên đường thực phẩm 'giả' ở Nhật Bản

Nói người Nhật làm đồ giả nghe thật khó tin. Vâng! Thế nên xin nói lại cho rõ là thực phẩm mô hình. Các sản phẩm này được nhiều nhà hàng dùng làm hàng mẫu trưng bày để giới thiệu món ăn với thực khách. Điểm đặc biệt là để làm ra các sản phẩm giống như thật thì đó là cả một nghệ thuật.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất