Vì sao xăm hình bị kỳ thị ở Nhật?

Ở nhiều nước châu Á và phương Tây, xăm mình được xem là nghệ thuật, nhưng tại Nhật Bản thì bị hắt hủi, đồng nghĩa xã hội đen. Nhiều cuộc truy quét các nghệ nhân xăm mình diễn ra, đặc biệt những người hành nghề không có giấy phép y tế. Và cuộc đấu tranh để bảo tồn nghề bắt đầu, ABC.net vừa cho hay.

16:00 02/10/2019

Kêu gọi bảo vệ nghề xăm

Bạn gần như sẽ không thấy hình xăm nào khi tới du lịch Nhật Bản (trừ các khách ngoại quốc). Tại các cơ sở suối nước nóng, họ thậm chí còn đặt biển cấm người xăm hình. Thực trạng này cũng diễn ra ở những nơi mà phần cơ thể cần được để lộ như bể bơi, phòng gym... Chỉ với một cú nhấp chuột, bạn sẽ tìm thấy nhiều lời giải đáp cho câu hỏi “Xăm hình có xin việc ở Nhật Bản được không”. Đa số, họ đều cho bạn hai phương án: Xóa hình xăm hoặc tìm một đất nước khác phù hợp hơn. Trong mắt người dân Nhật Bản, hình xăm vẫn là điều gì đó thực sự đáng sợ.

Xã hội và pháp luật khắt khe với nghề

Năm 2015, Taiki Masuda, một nghệ nhân xăm hình bị kết án vì điều luật ít người để ý đến. Ban đầu, cảnh sát đến phòng xăm của Masuda tại Osaka để điều tra về vụ án liên quan tới hiệu thuốc mà anh ta từng mua đồ. Tên Masuda được lưu trong danh sách khách hàng của họ. Cuộc điều tra đi xa hơn những gì mà Masuda có thể tưởng tượng. Nghệ nhân này bị bắt vì vi phạm đạo luật hành nghề y. Trước đó, vào năm 2001, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này từng thông báo xăm hình, tẩy lông bằng laser... đều thuộc lĩnh vực y tế vì sử dụng kim đâm vào da. “Trở thành bác sĩ là một quá trình dài và tốn nhiều tiền bạc. Thật nực cười khi nói rằng tôi cần có giấy phép y tế để trở thành một nghệ nhân xăm”, Masuda bức xúc.

Không giống như 5 nghệ nhân xăm mình khác từng chấp nhận hình phạt của cảnh sát, Masuda từ chối trả số tiền phạt 300.000 yen (3.750 USD) và cho rằng họ đã vượt quá quyền hạn. “Nộp tiền phạt đồng nghĩa với việc thừa nhận xăm hình là có tội và tất cả nghệ nhân xăm hình đều là tội phạm. Chúng tôi chỉ đang làm những thứ mình đam mê”, Straitstimes dẫn lời Masuda. Masuda bắt đầu chiến dịch Gìn giữ nghệ thuật Xăm hình ở Nhật với một nhóm gồm 30 thành viên và hơn 15.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Họ thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về nghệ thuật xăm hình cũng như quyền tự do cá nhân ở Nhật. Hồ sơ vụ kiện của Masuda được đệ trình lên Tòa án Tối cao. Kể từ sau phiên điều trần đầu tiên tại tòa án Osaka vào tháng 12.2015, việc kinh doanh của anh đã bị đình chỉ hơn 20 tháng.

Một số nghệ sĩ xăm mình buộc phải di chuyển đến các thành phố khác (ngoài Osaka) để hành nghề. Masuda dù phản đối cũng đành chấp nhận làm theo luật pháp. Anh đổi sang nghề thiết kế để trang trải cuộc sống nhưng luôn khao khát được gọi là một nghệ nhân. Các nghệ nhân trong giới thường xăm lên người mình hoặc gia đình, bạn bè trước khi thực hành trên cơ thể khách hàng. Bản thân Masuda từng xăm lên chân trước khi bắt đầu hành nghề. “Mỗi khách hàng của tôi đều phải ký giấy cam kết không dính dáng đến yakuza (mafia). Tôi cũng cần nhắc họ suy nghĩ kỹ về hình xăm của mình. Thông thường, tôi hay tư vấn họ xăm tên người yêu. Hình xăm không phải chuyện hứng là làm”, Masuda cho biết. Việc vi phạm đạo luật hành nghề y có thể khiến các nghệ nhân đối mặt với án phạt 3 năm tù cùng số tiền lên đến 1 triệu yên (9.300 USD).

Bị mặc cảm

Theo Japan Times, nỗi sợ hình xăm của người dân xứ hoa Anh đào có lẽ đã bắt đầu từ năm 1720. Tờ báo này trích dẫn thông tin của Từ điển Bách khoa Toàn thư Modern Yakuza (2004), năm 1720 đã có một thay đổi lớn trong xã hội Nhật Bản. Tội phạm thời kỳ này không bị cắt mũi, tai... như trước. Thay vào đó, chính quyền sẽ xăm hình (thường là vào tay) để nhắc nhở về tội lỗi chúng đã gây nên. Ở nơi là thành phố Hiroshima ngày nay, tội phạm bị xăm hình dựa trên số lần vi phạm. Tội đầu tiên sẽ bị xăm một dòng trên trán. Lần thứ hai, những kẻ này phải nhận một dòng bên trái mặt, tạo thành hình thánh giá lệch. Khi phạm tội lần thứ ba, hình phạt được tăng thêm hai dòng khác, hoàn thành ký tự kanji cho từ “con chó”.

Hình xăm không đơn thuần là dấu hiệu để chính quyền đánh dấu những kẻ vượt vòng pháp luật. Theo Japan Times, các thành viên yakuza còn tự xăm hình để thể hiện quyết tâm cắt đứt quan hệ với xã hội bình thường khi bước vào thế giới ngầm. Hình xăm giống như một chiếc áo đã mặc vào thì không thể cởi ra. “Tôi có một hình xăm trên người và chuẩn bị tới Nhật Bản. Nhiều người nói những ai xăm hình sẽ gặp nhiều ánh mắt ác cảm tại đất nước này. Tôi thực sự lo ngại về điều đó. Liệu tôi có nên che hình xăm của mình khi đến đây không?”, Dsood, một người đàn ông đến từ San Francisco (Mỹ) thắc mắc trên một diễn đàn du lịch. Câu hỏi của anh nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ nhiều người dùng. Đa số đều cho rằng Dsood nên che hình xăm của mình lại dù trên thực tế, không có điều luật nào quy định vấn đề này. “Bạn nên hiểu đây giống như điều luật ngầm. Tôi từng chứng kiến một cô gái bị mời ra khỏi khu tắm nước nóng vì có hình xăm nhỏ trên vai”, Gurus, du khách Australia kể lại trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, đất nước Mặt trời mọc cần sẵn sàng cho “cuộc đổ bộ hình xăm” vào năm tới, khi Thế vận hội Mùa hè 2020 diễn ra tại Nhật Bản.

Vận động viên các nước sẽ đến, đem theo những hình xăm ở quê họ là bình thường còn tại Nhật Bản bị nhìn với con mắt ghẻ lạnh. Theo Japan Times, dù muốn hay không nước chủ nhà cũng cần tỏ ra thiện chí với các vị khách của mình. Các cơ sở như phòng gym, hồ bơi hay suối nước nóng cần mở rộng vòng tay chào đón họ. Đó có thể là thời điểm thích hợp cho những người thích xăm hình tìm thấy tự do của mình. “Nếu Nhật Bản hợp pháp hóa các sàn nhảy sau nửa đêm, họ cũng có thể làm điều tương tự với những người xăm hình”, cây bút Jake Adelstein của Japan Times lập luận.

Nguồn: baovanhoa.vn

Tags:
Người Hàn ở Nhật loay hoay giữa khủng hoảng ngoại giao

Người Hàn ở Nhật loay hoay giữa khủng hoảng ngoại giao

"Những cô gái trẻ vẫn tới mua, nhưng người lớn tuổi chỉ liếc vào bên trong rồi quay đi", chủ một cửa hàng mỹ phẩm Hàn ở Tokyo cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất