Nhật Bản: Quốc gia ưa sạch sẽ đang cố gắng cai nghiện…than

Tuyên bố bảo vệ môi trường nhưng Nhật Bản lại đang xây hàng loạt nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam, Indonesia…

11:00 24/11/2018

Nhật Bản: Quốc gia ưa sạch sẽ đang cố gắng cai nghiện…than

"Chúng ta phải cứu lấy màu xanh của trái đất và màu lam của đại dương… Tất cả các nước phải cùng chung tay hành động. Chúng ta vừa phải thúc đẩy nền kinh tế nhưng cũng phải giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe viết trong bài báo có tự đề "Cùng chung tay với Nhật Bản và hành động ngay bây giờ để cứu lấy trái đất của chúng ta" đăng trên tờ Financial Times vào tháng 9/2018.

Tuy vậy Giám đốc Kimiko Hirata của tổ chức bảo vệ môi trường Kiko Network đã vô cùng bất ngờ khi Nhật Bản có những hành động trái ngược với tuyên bố của mình. Không riêng gì xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện trong nước, Nhật Bản còn đầu tư hàng loạt các nhà máy tương tự từ Việt Nam cho đến Indonesia. Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) trong 3 năm qua đã tài trợ 5,2 tỷ USD cho 6 dự án nhiệt điện bằng than trên toàn Châu Á.

Những nhà hoạt động môi trường lo ngại những nhà máy nhiệt điện mới này sẽ đạp đổ mọi cố gắng tiết giảm CO2 của những quốc gia khác. Báo cáo của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy Châu Á hiện chiếm 2/3 trong số mức tăng trưởng 1,4% về loại nhiên liệu thải CO2 năm 2017.

Nhật Bản: Quốc gia ưa sạch sẽ đang cố gắng cai nghiện…than - Ảnh 1.

Lượng CO2 trong không khí tại Nhật (triệu kiloton)

Tất cả chỉ tại Fukushima?

Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có văn hóa sống sạch sẽ, gọn gàng cũng như một môi trường thân thiện cho sức khỏe người dân. Tuy nhiên một thực tế trớ trêu là nước này đang dựa dẫm quá nhiều vào nguồn năng lượng than đá do thiếu tài nguyên thiên nhiên khác. Hệ quả là lượng ô nhiễm không khí tại Nhật đang ngày một tăng khiến người dân bất bình biểu tình.

Tại thành phố cảng Kobe, tập đoàn Kobe Steel đang mở rộng nhà máy nhiệt điện Kobe Power Plan nhưng vấp phải phản ứng dữ dội của cư dân thành phố. Dự kiến nếu hoàn thành vào năm 2022, nhà máy này sẽ thải ra 14 triệu tấn CO2 cũng như khí độc khác hàng năm, cao gấp nhiều lần mức 1,5 triệu tấn CO2 mà toàn thành phố Kobe thải ra hàng năm trước đó.

Dự án của Kobe chỉ là một trong số 30 dự án mới mà chính quyền Tokyo phê duyệt cho xây dựng. Dù nổi tiếng về chất lượng sống nhưng việc thiếu tài nguyên cũng như năng lượng buộc Nhật Bản phải phụ thuộc vào nhiệt điện bằng than, loại nguyên liệu đã bị cấm ở 30 nước trên thế giới.

"Sử dụng than là đi ngược với trào lưu của thế giới bởi chúng là loại nhiên liệu tồi tệ nhất khi thải ra lượng lớn CO2",Giáo sư Takeshi Shimamura của trường đại học Kobe nhận định.

Nhật Bản hiện là nước phát triển duy nhất trong nhóm G7 vẫn còn phát triển các nhà máy nhiệt điện bằng than mới dù nước này vẫn hô hào bảo vệ môi trường.

Theo hiệp định Kyoto Protocol ký kết tại Nhật Bản, quốc gia này phải giảm 6% khí thải nhà kính trong khoảng 2008-2012. Tuy vậy sự kiện nhà máy hạt nhân Fukushima gặp sự cố khiến Nhật Bản phải chuyển hướng sang nhiệt điện bằng than và lượng CO2 tại đây bắt đầu tăng trở lại từ năm 2011. Khoảng 18 nhà máy điện hạt nhân tại Nhật đã phải đóng cửa sau sự cố Fukushima.

Thị phần năng lượng sử dụng than đá tại Nhật Bản đã tăng từ 65% năm 2010 lên 84% năm 2016. Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật cũng thừa nhận mức CO2 tại đây đã tăng 7% trong khoảng 2010-2012.

Nhật Bản: Quốc gia ưa sạch sẽ đang cố gắng cai nghiện…than - Ảnh 2.

Kobe Steel mở rộng nhà máy nhiệt điện bằng than tại Kobe

Giám đốc Shogo Tanaka của Văn phòng chiến lược năng lượng thuộc METI nhận định chính quyền Tokyo chưa thể cai nghiện than là do loại nguyên liệu này rẻ và dễ dàng khai thác cũng như sử dụng. Trong khi đó những loại năng lượng sạch hơn khác như khí đốt, thủy điện, điện mặt trời, gió đều khó lòng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại Nhật.

Năm 2016, năng lượng chạy than chiếm 32% tổng số nguồn năng lượng của Nhật trong khi năng lượng sạch chỉ chiếm 15%. Chính quyền Tokyo đặt mục tiêu hạ tỷ lệ này xuống tương ứng là 26% cho than và tăng lên 24% cho năng lượng sạch vào năm 2030 nhưng chúng khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về độ khả thi khi ngành năng lượng hạt nhân bị đình trệ vì vụ Fukushima. Hiện chỉ có 9 lò hạt nhân của Nhật còn hoạt động trong khi nước này cần đến 30 lò vào năm 2030 để hoàn thành mục tiêu cai nghiện than.

Thậm chí mục tiêu của Nhật cũng khá thấp khi so sánh với mức 50% năng lượng sạch vào năm 2030 của Liên minh Châu Âu (EU).

Như một hệ quả tất yếu, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản sẽ tiêu thụ ngày càng nhiều than trong 10 năm tới. Theo tờ Nikkei Asian Review, năng lượng than có thể chiếm tới 46% vào năm 2030 và thậm chí là 56% nếu các nhà máy hạt nhân không hoạt động được hết công suất.

Xuất khẩu cơn nghiện

Công bằng mà nói, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn hơn các quốc gia khác khi muốn triển khai năng lượng sạch. Do vị trí địa lý và giá nhân công cao nên việc xây dựng các dự án năng lượng mặt trời tại Nhật đắt gấp đôi tại Châu Âu tính theo mỗi KWH.

Thêm vào đó, hệ thống điện lưới truyền tải của Nhật cũng không nhiều. Điều này đồng nghĩa nếu xây dựng năng lượng mặt trời ở miền Nam và truyền tải ra miền Bắc, Nhật Bản sẽ phải xây thêm các mạng lưới truyền tải điện với chi phí hơn 100 tỷ Yên cho mỗi đường dây và phải tốn 5-10 năm mới hoàn công.

Trong khi đó, điện gió cũng chỉ chiếm 1,7% tại Nhật do những khu vực có thể xây tuabin gió cách quá xa khu vực dân cư cần điện, qua đó lại tốn thêm chi phí xây dựng mạng lưới truyền tải. Thêm nữa, hiệp hội ngư dân Nhật phản đối các dự án điện gió vì chúng ảnh hưởng đến khu vực đánh bắt cá gần bờ.

Nhật Bản: Quốc gia ưa sạch sẽ đang cố gắng cai nghiện…than - Ảnh 3.

Năng lượng gió gặp nhiều khó khăn tại Nhật

Những dự án thủy điện thì càng không khả thi khi Nhật Bản không có diện tích lớn nhiều sông suối, hơn nữa thủy điện không đáp ứng được nhu cầu điện năng cao của Nhật cũng như tác động quá mạnh đến môi trường sinh thái sông ngòi, điều mà người dân địa phương không muốn.

Bởi vậy, năng lượng nguyên tử và than là 2 phương án hiệu quả nhất đối với Nhật và khi các nhà máy nguyên tử gặp vấn đề, than đá là giải pháp duy nhất cho nhu cầu điện năng. Thậm chí nhiều công ty của Nhật còn đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện bằng than tại các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á.

Báo cáo của IEA cho thấy những dự án nhiệt điện bằng than tại Ấn Độ và Đông Nam Á được tài trợ bởi hàng tỷ USD tiền đầu tư cũng như kỹ thuật từ Nhật Bàn và Trung Quốc.

Theo: cafebiz.vn

Tags:
Bộ tranh 'bóc phốt' tình yêu trong tưởng tượng khác thực tế như thế nào?

Bộ tranh "bóc phốt" tình yêu trong tưởng tượng khác thực tế như thế nào?

Tình yêu trong tưởng tượng lúc nào cũng ngọt ngào, lãng mạn, êm đềm nhưng thực tế thì sao? Phũ phàng và lắm rắc rối vô cùng!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất