Thị trường Nhật Bản, Đài Loan vẫn hút lao động Việt Nam
Trong năm 2018, cả nước đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào thị trường có thu nhập cao. Trong số này, cố gắng đưa tỉ lệ lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài lên khoảng 40%.
06:30 28/02/2018
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2017, cả nước đưa đi được 134.700 lao động, vượt hơn 28% so với kế hoạch năm. Đây là năm thứ tư liên tiếp, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 người/năm.
Lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài Ảnh minh họa
Trong đó, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với hơn 54.000 lao động. Các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc) thu hút gần 67.000 lao động; Hàn Quốc hơn 5.100 lao động…
Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, chuyển biến đáng lưu ý ở các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động là việc đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề và ngoại ngữ cho người lao động (NLĐ) trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài.
Dự báo trong năm 2018, Đài Loan, Nhật Bản là 2 thị trường có nhu cầu cao tiếp nhận lao động nước ta. Hiện hai thị trường này hiện chiếm 90% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tại Nhật Bản, nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Một số công việc như chế biến thức ăn thay thế, bảo dưỡng nhà cao tầng, sửa chữa ô-tô) có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam rất cao.
Lao động Việt Nam tại Nhật Bản Ảnh minh họa
Trong năm 2018, lĩnh vực xuất khẩu lao động đặt mục tiêu đưa 110.000 người đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào thị trường có thu nhập cao. Trong số này, cố gắng đưa tỉ lệ lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài lên khoảng 40%.
Đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá mục tiêu trên là khả thi. Thưc tế, ở các thị trường truyền thống, chính sách dành cho lao động nước ngoài cũng đã cởi mở hơn. Cụ thể, ở Đài Loan, thời hạn làm việc của người lao động cũng kéo dài hơn. Tại Nhật Bản, từ ngày 1-11-2017, chính sách mới có hiệu lực cho phép người lao động tăng thời gian thực tập sinh từ 3 năm lên 5 năm.
Năm 2017, một số bản thỏa thuận quan trọng đã được ký kết giữa Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan nước ngoài, như: Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về chương trình thực tập kỹ năng với Bộ trưởng các bộ Tư pháp, Ngoại giao, Y tế - Lao động - Phúc lợi xã hội Nhật Bản; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động với Bộ Lao động và Đào tạo nghề Vương quốc Campuchia; Bản ghi nhớ hợp tác chương trình đưa thực tập sinh đi Nhật Bản với Cơ quan Quản lý thực tập kỹ năng (OTIT) Nhật Bản và Ngân hàng Gunma.
Nguồn: Nld.com.vn
Thị trường Nhật Bản, Đài Loan vẫn hút lao động Việt Nam
Trong năm 2018, cả nước đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào thị trường có thu nhập cao. Trong số này, cố gắng đưa tỉ lệ lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài lên khoảng 40%.